Đất trồng lúa là gì?
Theo quy định mới nhất về phân loại đất đai thì đất trồng lúa thuộc loại đất trồng cây hàng năm và thuộc nhóm đất nông nghiệp. Đất trồng lúa bao gồm:
- Đất chuyên trồng lúa nước: Loại đất này có thể trồng được từ hai vụ lúa nước trong một năm, kể cả trường hợp có luân canh, xen canh với cây hàng năm khác hoặc có khó khăn đột xuất mà chỉ trồng cấy được một vụ hoặc không sử dụng trong thời gian không quá một năm. Ký hiệu: LUC.
- Đất trồng lúa nước còn lại: Đất trồng lúa nước gồm cả ruộng bậc thang, hàng năm chỉ trồng được một vụ lúa, kể cả trường hợp trồng thêm cây hàng năm khác hoặc không sử dụng trong thời gian không quá một năm. Ký hiệu LUK.
- Đất trồng lúa nương: là đất chuyên trồng lúa trên sườn đồi, núi dốc từ một vụ trở lên, kể cả trường hợp trồng lúa không thường xuyên theo chu kỳ và trường hợp có luân canh, xen canh với cây hàng năm khác. Ký hiệu LUN.
Đất trồng lúa có được chuyển nhượng?
Theo quy định của pháp luật, đất trồng lúa có thể được chuyển nhượng nếu đất đó đã được cấp Giấy chứng nhận, không có xảy ra tranh chấp; quyền sử dụng đất trồng lúa không bị kê biên; đất đó vẫn còn thời hạn sử dụng. Nếu không đáp ứng được một trong các điều kiện trên thì bên chuyển nhượng (người bán) không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa.
Song song với đó, bên nhận chuyển nhượng đất lúa phải thuộc đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, trừ trường hợp:
TH1: Người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa là tổ chức kinh tế
Căn cứ khoản 2 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013, tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
TH2: Bên nhận chuyển nhượng là hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Theo khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Như vậy, không được chuyển nhượng đất chuyên trồng lúa nước cho người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
- Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp: là cá nhân không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội.
Theo đó, cán bộ, công chức là những người được hưởng lương thường xuyên nên không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa.
- Hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp: là hộ gia đình có ít nhất một thành viên không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội.
Về mức xử phạt, trường hợp cán bộ, công chức tự ý mua đất trồng lúa là sai quy định của pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể, mức phạt được quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định 91/2019/NĐ-CP: Phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Ngoài việc bị phạt tiền thì cán bộ, công chức vi phạm sẽ buộc phải trả lại diện tích đất trồng lúa đã nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho.
Như vậy, đất trồng lúa có thể được chuyển nhượng, mua bán nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Có 3 trường hợp thường gặp không được sang tên sổ đỏ đất trồng đất lúa là do không đáp ứng đủ điều kiện chuyển nhượng; người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa là tổ chức kinh tế và hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý về diện tích đất trồng lúa được phép chuyển nhượng và các quy định khác khi thực hiện thủ tục nếu cơ quan nhà nước có yêu cầu.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: