Sáng nay, trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu đã đưa ý kiến cần thành lập cơ quan xác định giá đất để đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất.
Giá thị trường không phải là giá Nhà nước công bố
Thực tế hiện nay, vấn đề thu hồi, bồi thường khi thu hồi đất đang gây nhiều bức xúc cho người dân. Mấu chốt của bức xúc này là bởi người dân cho rằng giá đền bù đất chưa thỏa đáng. Người dân phải chịu nhiều thiệt thòi bởi sự chênh lệch quá lớn giữa giá đền bù và giá đất thực tế trên thị trường.
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đưa ý kiến: Giá đất quy định như Dự thảo là quá chung, không giải quyết được bức xúc của người dân. Theo ĐB tỉnh Ninh Thuận, việc xác định giá đất phải tính đến lợi nhuận hình thành trong tương lai. Làm sao để tiền được bồi thường đất khi thu hồi phải đảm bảo cho người dân được bằng hoặc tốt hơn điều kiện sống trước khi thu hồi. Thực tế, đa phần người dân đang bị thua thiệt, dẫn đến bức xúc, gây khiếu kiện.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) đặt câu hỏi: Người dân căn cứ vào đâu để biết giá đất đền bù đã được thỏa đáng chưa? Do đó, theo ý bà Hà, Dự thảo cần thể hiện rõ vai trò của các cơ quan tư vấn giá đất đồng thời cần có cơ quan nhà nước nghiên cứu về vấn đề này.
Chung quan điểm về tính cấp thiết của việc thành lập cơ quan xác định giá đất, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhận định: Khiếu kiện về đất đai còn điểm nghẽn bởi việc quy định trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền chưa phù hợp.
Ông cho rằng quy định như hiện nay khiến vai trò của UBND tỉnh quá lớn. UBND tỉnh vừa có thẩm quyền phê duyệt dự án, vừa ra quyết định thu hồi, lại quyết định cả giá đất là bất hợp lý.
“Cần thiết thành lập cơ quan có thẩm quyền xác định về giá đất độc lập với cơ quan có thẩm quyền thu hồi. Có như vậy, mới đảm bảo khách quan cho người có đất bị thu hồi”, ĐB Hải Phòng phát biểu.
Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cũng đồng quan điểm này. Theo ông, cần thiết phải có cơ quan có thẩm quyền xác định giá đất, lập phương án đấu thầu đất trong trường hợp dự án phát triển kinh tế liên quan đến các doanh nghiệp. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất.
Cũng theo ĐB tỉnh Bạc Liêu, không thể xác định “giá thị trường” là "giá do chính quyền công bố hàng năm". Giá thị trường phải là giá thực tế đang diễn biến trên thị trường.
“Không thể để người bị thu hồi đất là người đứng ngoài cuộc về giá đất. Thực chất hiện nay giá đất do chính quyền quyết định”, ông Hoàng nói.
ĐBLê Thị Nguyệt (Phú Thọ) cho rằng nếu chỉ quy định UBND tỉnh có thẩm quyền ban hành giá đất, chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi.
Không thể lập lờ quyền lợi của toàn dân và quyền lợi doanh nghiệp
Một trong những vấn đề vẫn tiếp tục được các đại biểu góp ý là việc thẩm định, phê duyệt dự án thu hồi đất.
Nhiều ý kiến đồng ý với quan điểm Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án hạ tầng kinh tế xã hội, đất phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Nên bỏ quy định Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế xã hội. Quy định như vậy rất chung chung. Theo ý kiến các đại biểu, những dự án phát triển kinh tế liên quan đến doanh nghiệp, cần phải tổ chức trưng mua quyền sử dụng đất.
Lý giải cho đề nghị này, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt nghi vấn: Căn cứ yếu tố nào để làm rõ tính “quan trọng, thiết thực” trong vấn đề dự án phát triển kinh tế xã hội mà Nhà nước có thẩm quyền thu hồi?
ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu), ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) cùng chung ý kiến của nhiều ĐB khác đề nghị với các dự án phát triển vì mục đích kinh tế liên quan đến doanh nghiệp, Nhà nước không được thu hồi, mà cần để người dân được góp vốn bằng đất. Khi quy hoạch, cần bố trí đền bù đất tương ứng, và giá trị phải cao hơn giá trị đất của họ đã bị thu hồi.
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị cần áp dụng cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người đang sử dụng đất đối với các dự án phát triển kinh tế mà lợi ích thuộc về các doanh nghiệp.
Liên quan đến vai trò quản lý đất đai, nữ đại biểu tỉnh Ninh Thuận đề nghị quy định đất đai là “sở hữu Nhà nước”. Theo bà, việc quy định “sở hữu toàn dân” có tính pháp lý chưa cao. Để phù hợp hơn, nên quy định đất đai là sở hữu nhà nước. “ Quy định như thế sẽ không làm mất đi bản chất của chế độ. Nhà nước là của dân, do dân, vì dân, do vậy, nhà nước quản lý thay dân là phù hợp.” – bà nói.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) lại đề nghị Luật cần thể hiện rõ vai trò của các cơ quan khác trong việc quản lý đất đai. Bà đề nghị bổ sung quy định rõ hơn vai trò của QH và các cơ quan khác trong việc quản lý đất đai, chứ không phải chỉ là trách nhiệm của chính phủ.