Tháng 9/2019, ông Nguyễn Đức C. đã lập di chúc ở văn phòng công chứng tại quận 12 (TP. Hồ Chí Minh) để lại toàn bộ nhà và đất của ông cho con trai út Nguyễn Đức U. Tháng 02/2021, ông C. mất, văn phòng công chứng công bố di chúc của ông C. thì ông Nguyễn Đức D. (con trai đầu của ông C.) không đồng ý với di chúc này và cho rằng di chúc vô hiệu bởi toàn bộ nhà và đất của ông C. thuộc diện bị Nhà nước thu hồi và đã có quyết định thu hồi đất của Nhà nước. Do đó, ông D. cho rằng di chúc không có hiệu lực, nếu sau này Nhà nước chi trả tiền bồi thường thì số tiền đó được chia đều cho các con của ông C.
Tương tự trường hợp trên, toàn bộ nhà đất mà vợ chồng ông Lê Thanh N. đang ở tại quận 7 (TP. Hồ Chí Minh) cũng được Nhà nước ra quyết định thu hồi đất nhưng thực tế chưa bị thu hồi thì vợ chồng ông có được quyền lập di chúc định đoạt phần nhà đất này hay không.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, người sử dụng đất được quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường.
Cụ thể, theo Điều 74 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường sẽ được bồi thường. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
Đồng thời, theo Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, dù phần nhà đất đó Nhà nước đã ra quyết định thu hồi nhưng thực tế chưa bị thu và chưa được bồi thường thì người sử dụng đất được quyền lập di chúc để định đoạt giá trị của phần nhà đất sẽ được bồi thường; dù nội dung di chúc không nói cụ thể mà chỉ nó rằng cho phần nhà đất đó cho một hay nhiều cá nhân, tổ chức thì cũng được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Thực tế, vấn đề này xảy ra nhiều rắc rối và tranh cãi, các Tòa án khác nhau có quan điểm và cách xét xử không giống nhau nên ngày 05/02/2020, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Án lệ số 34/2020/AL nhằm thống nhất cách xét xử. Theo đó, nội dung án lệ như sau: “[5]... di sản của cụ D, cụ C để lại là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 38, Tờ bản đồ số 13 đã bị thu hồi theo Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 21-7-2010 của Ủy ban nhân dân thành phố V nhưng giá trị quyền sử dụng đất của người có đất bị thu hồi vẫn được pháp luật bảo đảm theo quy định của Luật Đất đai nên hai cụ có quyền lập di chúc định đoạt tài sản trên cho ông D1...”
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: