Đến ngày 13/11, khu tập thể D2 Giảng Võ (phường Giảng Võ, Ba Đình) vẫn đang được phá dỡ, giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án xây mới mà UBND TP Hà Nội giao cho liên danh Gia Bảo và Sông Đà Thăng Long từ tháng 6/2010. Những lùm xùm ở dự án này xoay quanh câu chuyện của một số gia đình có nguyện vọng chính đáng là bán lại căn hộ cho chủ đầu tư, thay vì di dời tái định cư. Cơ sở để 4 hộ còn lại (đã bị cưỡng chế) muốn bán nhà là ở quy định “Trường hợp chủ sở hữu căn hộ không có nhu cầu tái định cư tại chỗ sau khi dự án hoàn thành thì được phép bán căn hộ của mình cho chủ đầu tư theo giá thỏa thuận trước khi thực hiện việc phá dỡ chung cư” – được ghi trong của Nghị quyết 34/2007 của Chính phủ và Quy chế về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, hư hỏng của Hà Nội.
Ông Hoàng Lê Trường (chủ căn hộ 423, D2) bức xúc cho biết: “Sau khi có quyết định chấp thuận đầu tư thì chủ đầu tư phải lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để người dân bàn thảo. Sau khi thống nhất và phương án được duyệt thì UBND cấp có thẩm quyền mới ra quyết định thu hồi đất. Trong trường hợp nhà D2 của chúng tôi, UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi luôn rồi mới ra phương án di dời, tạm cư và tái định cư”.
Cưỡng chế mà không biết nhà của ai?
Ông Nguyễn Thế Lư (P.408, D2 Giảng Võ): “Từ ngày bị cưỡng chế, cuộc sống chúng tôi đảo lộn, con cái chạy loạn cả lên, phải ăn cơm hàng, ngủ nhà nghỉ, không biết đồ đạc ở đâu vì đi làm về thì đã thấy phá xong xuôi”. Bà Hoàng Lan (P.405, D2 Giảng Võ): “Chúng tôi không có nhu cầu tái định cư trở lại sau khi xây dựng xong nhà D2 và đang chờ chủ đầu tư có tiền để bán căn hộ cho họ, nhưng ngày 26/10, họ đã tự ý vào cắt khóa, mang tài sản của chúng tôi đi khi chúng tôi không có nhà”. Ông Hoàng Lê Trường (P.423, D2 Giảng Võ): “Sau khi bị cưỡng chế, người dân vô cùng khó khăn nhưng chính quyền không có thông tin về thủ tục giải quyết. Chúng tôi đã có đơn gửi quận, phường những chưa thấy phản hồi”. |
Nhưng sự thực là, ông Nguyễn Xuân Mẫn là một cán bộ lão thành cách mạng đã mất từ năm 2007. Bà Bùi Thị Bảo Hiền thì tuổi cao sức yếu đang ở với con cháu tại khu đô thị The Manor, đã không còn liên quan gì đến việc sở hữu căn hộ 418. Ngay từ năm 2001, gia đình ông Trần Văn Đình, bà Cao Thị Đức Phúc đã mua toàn bộ căn hộ 418 nhà D2, các thủ tục sang tên đã được Sở Địa chính nhà đất Hà Nội khi đó chứng thực ngày 14/6/2001. Thậm chí, ông Nguyễn Xuân Phong (con trai ông Mẫn) khi biết người bố đã khuất và người mẹ mang trọng bệnh của mình bị chính quyền ra quyết định cưỡng chế đã bức xúc đến UBND phường Giảng Võ để hỏi thì chỉ nhận được lời xin lỗi.
Trong lá đơn gửi Báo GĐ&XH, bà Cao Thị Đức Phúc cho biết, sáng 26/10/2010, UBND quận Ba Đình cùng UBND phường Giảng Võ đã tiến hành cưỡng chế giải tỏa tòa nhà, trong đó có căn hộ 418 của gia đình bà. Cũng theo lá đơn này, 9h26 sáng cùng ngày, chồng bà Phúc, ông Trần Văn Đình, 59 tuổi với 35 năm công tác trong ngành cơ yếu, đã đột ngột tử vong tại phòng làm việc. Chủ nhiệm quân y của Ban Cơ yếu viết trong giấy chuyển đến Bệnh viện 354: Nhồi máu cơ tim cấp. Giấy báo tử của Bệnh viện 354 ghi: Tử vong trước khi đến viện.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: