Dòng tiền kiếm được ở các kênh khác nhau, cuối cùng cũng sẽ tìm đến bất động sản
Chuyện của F0 chứng khoán
Cảm giác “chứng trường khốc liệt” lần đầu đến với nhóm nhà đầu tư F0 trong phiên giao dịch kỷ lục về thanh khoản và điểm số mất đi hôm 19/1/2021, thế nhưng phiên rũ hàng hôm đó có lẽ không khiến các nhà đầu tư lâu năm quá bất ngờ bởi thị trường cần có những phiên “lấy đà” sau khi đã liên tục tăng mạnh. Câu chuyện thời sự hiện tại là một lượng không nhỏ nhà đầu tư F0 đã thắng lớn trong năm 2020, liệu có “giật mình” sau phiên 19/1 để phân tán bớt “trứng” sang “giỏ” bất động sản?
Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán, đúng vào cao điểm Covid-19, tháng 3/2020, lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới của cá nhân bắt đầu tăng mạnh và sau 11 tháng tính từ thời điểm này, tổng cộng gần 330.000 tài khoản cá nhân tham gia thị trường lần đầu, tăng 75% so với cả năm 2019.
“20 năm lăn lộn trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư F0 của năm 2020 là nhiều nhất, thậm chí tôi còn gặp những nhà đầu tư không biết sử dụng máy tính”, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam chia sẻ.
Theo ông Khánh, lãi suất tiền gửi giảm mạnh, dự báo còn duy trì ở mức thấp trong thời gian dài nữa khiến dòng tiền dịch chuyển vào chứng khoán. Chưa kể, không phải ai cũng có cơ hội và đủ tiềm lực tài chính để tìm được các khoản đầu tư tốt trên thị trường bất động sản nên chứng khoán vẫn là ưu tiên hàng đầu của nhóm F0.
Góp gió thành bão, số lượng F0 bùng nổ và được tiếp sức bởi dòng tiền margin khiến các phiên giao dịch 15.000 - 17.000 tỷ đồng đã thành “chuyện thường ngày ở huyện” và theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, có những thời điểm, 2/3 số cổ phiếu trên bảng điện tăng giá liên tục, dẫn đến xác suất đầu tư thắng cao.
“Nhà đầu tư mới chỉ cần mở tài khoản, mua cổ phiếu với sự hỗ trợ của môi giới thì khả năng có lời rất lớn”, ông Nguyễn Anh Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Hải Phòng nói, nhưng cũng cho rằng, giá nhiều cổ phiếu có dấu hiệu “tạm ứng” kỳ vọng tương lai của doanh nghiệp khi theo ước tính của FiinGroup, doanh thu năm 2020 của nhóm doanh nghiệp niêm yết (ngoại trừ ngành tài chính) sẽ giảm 8%; lợi nhuận thậm chí sụt giảm tới 21% so với 2019.
Theo các chuyên gia, viễn cảnh kinh tế tươi sáng của nền kinh tế khiến chứng khoán vẫn sáng theo, nhưng thị trường sẽ không thể “tất cả cùng tiến” như giai đoạn vừa qua mà xu hướng giá sẽ chọn lọc và đa sắc màu hơn, đồng thời lớp nhà đầu tư F0 mới vào thị trường cũng sẽ trở nên thận trọng hơn, không loại trừ việc nhiều người chia bớt khoản lời kiếm được sang bất động sản.
Đất nền đang là kênh được nhiều nhà đầu tư cá nhân lựa chọn
Dòng tiền sẽ tìm đến bất động sản?
Đó là vấn đề đang được bàn tán trên rất nhiều diễn đàn đầu tư, kinh doanh cũng như các sự kiện, hội thảo, tọa đàm bất động sản thời gian gần đây.
Trong quá khứ, hai thị trường này từng được ghi nhận diễn biến theo kiểu “chứng khoán đi trước, địa ốc bước theo sau”. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán lên sơn sốt WTO từ năm 2006 và lên đến cao điểm vào tháng 3/2007 với chỉ số VN-Index đạt 1.170 điểm, và bắt đầu từ giữa năm 2006, cơn sốt bất động sản liền thổ (biệt thự, shophouse, đất nền…) bắt đầu diễn ra dù sau đó cả hai đều thoái trào khá nhanh do tác động từ cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Giai đoạn 2016-2017, thị trường chứng khoán lấy lại phong độ với đỉnh điểm 1.204 điểm vào tháng 4/2018 - kỷ lục mà sóng tăng vừa qua vẫn chưa thể xô đổ - và như một sự “đồng thanh tương ứng”, thị trường bất động sản cũng thăng hoa suốt từ giữa năm 2017 đến đầu năm 2019 mới chựng lại vì những khúc mắc liên quan đến condotel và việc ách tắc thủ tục phát triển các dự án mới.
Trở lại với bối cảnh hiện tại, tương tự như những giai đoạn trước, theo đánh giá của ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group, có khá nhiều dấu hiệu cho thấy hiện tượng “bình thông nhau” có thể trở lại.
Trong đó, thị trường chứng khoán đang được ví như một “bình nước” lớn đang được đổ đầy. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiết kiệm VND chỉ đạt mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; đối với kỳ hạn 1 - 6 tháng là 3,2 - 3,9%/năm; đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng 4 - 6%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên ở mức 5,6 - 6,8%/năm.
Với lãi suất thấp, thị trường chứng kiến sự dịch chuyển lớn của dòng tiền từ kênh tiết kiệm sang kênh đầu tư chứng khoán, nhưng theo ông Nga, “lượng nước” càng đầy thì áp lực lên bình càng lớn và xu hướng chảy sang “chiếc bình” gần nhất càng mạnh mẽ.
Chẳng hạn, theo ghi nhận của phóng viên Đầu tư Chứng khoán, thời điểm Phú Quốc chính thức công bố quyết định lên thành phố, trong số hàng ngàn nhà đầu tư kiêm du khách bay ra đây nghỉ ngơi và tìm kiếm cơ hội đầu tư có không ít nhà đầu tư chứng khoán.
Có mặt tại Corona Casino tối mùng 9/1/2021, dõi theo quả bóng may mắn trên bàn Roulette đang xoay vòng vòng, Hưng - một nhà đầu tư chứng khoán đến từ TP.HCM vui chuyện kể rằng, anh cho gia đình ra Phú Quốc nghỉ ngơi nhân dịp đầu năm mới và “nhân thể đi ngó nghiêng xem có cửa nào đầu tư ổn ổn không”.
Tiết lộ rằng mình theo phong cách đầu tư chứng khoán “cứ blue-chips mà chơi và đang thắng lớn”, Hưng nói mình cũng sẽ đầu tư kiểu vậy khi phân tán dòng vốn vào địa ốc vì đầu tư vào dự án lớn, có cả hệ sinh thái bổ trợ cho nhau bao giờ cũng chắc ăn, an toàn hơn tìm mua đất rừng, đất ruộng “rồi chờ ăn may hợp thức hóa”.
Hưng phân tích, cứ nhìn bất động sản ở các quận trở thành TP. Thủ Đức tăng giá tính bằng lần thì sẽ mường tượng ra sóng tăng giá ở Phú Quốc sắp tới, nếu giờ không mua chắc chắn sẽ chậm chân vì “anh cứ ra sân bay thì biết, toàn dân đầu tư ra đây tìm chỗ… tiêu tiền quyển”.
Nhà đầu tư chứng khoán này quan sát khá tinh tường, bởi trước đó, ông Vũ Nam Khánh - Phó trưởng Ban chiến lược, Vietnam Airlines chia sẻ với phóng viên rằng, vài tháng nay, đường bay Phú Quốc luôn nhộn nhịp.
“Có những ngày Phú Quốc đón tới 56 chuyến bay, tương đương đường bay vàng Hà Nội - TP.HCM”, ông Khánh cho biết.
Nhiều dự án đất nền ở các tỉnh ven Hà Nội mở bán gần đây cũng ghi nhận lượng chốt tăng đột biến. Chẳng hạn, tại một dự án nghỉ dưỡng sinh thái ở Hòa Bình cách đây vài hôm, trước sự chứng kiến của phóng viên, có khá nhiều nhà đầu tư sẵn sàng xuống hàng chục tỷ đồng tiền mặt để mua vài trăm m2 đất với kỳ vọng sẽ có thể lướt sóng ngay sau Tết.
Điều này diễn ra tương tự khi cuối tuần trước, tại lễ mở bán một dự án đất nền ở Vĩnh Phúc của một sàn giao dịch bất động sản địa phương cũng có tới vài chục lô đất cùng được giao dịch ngay trong buổi chiều - điều mà nhiều tháng trước, các nhân viên của sàn giao dịch này có mơ cũng không thấy.
Ông Đỗ Tiến, giám đốc sàn giao dịch nói trên cho biết, lượng khách tìm hiểu gia tăng là điều không quá ngạc nhiên, nhưng điều gây bất ngờ là độ sẵn sàng xuống tiền mặt và số lượng sản phẩm khách hàng sẵn sàng mua cùng một lúc.
Trong khi đó, ông Hoàng Liên Sơn, Tổng giám đốc Alpha Real “tiết lộ”, ở sự kiện Grand World Phú Quốc - thành phố của những giấc mơ do Vinhomes tổ chức mới đây ghi nhận hơn 1.000 khách hàng tham gia, hàng trăm giao dịch thành công, trị giá hơn 1.100 tỷ đồng. Trước đó, sự kiện mở bán Boutique Hotel Grand World Phú Quốc tại Hải Phòng cũng đạt gần 100 giao dịch, trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.
“Chỉ chưa đến hai tuần, trị giá giao dịch các sản phẩm bất động sản Grand World Phú Quốc đã là hơn 2.500 tỷ đồng”, ông Sơn cho biết.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, về dài hạn, bất động sản vẫn luôn là kênh đầu tư được người dân hướng tới do khả năng tích trữ và tăng giá trong dài hạn.
Dù cho rằng “để đánh giá chính xác thực sự dòng tiền có chuyển từ kênh đầu tư chứng khoán sang kênh bất động sản hay không sẽ cần thêm thời gian xem xét” nhưng theo ông Đính, khi đã thành công ở một kênh đầu tư nào đó, gần như tất cả mọi người đều có xu hướng mua một vài mảnh đất, coi như đó là một cách hiện thực hóa lợi nhuận và tích trữ tài sản hiệu quả.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: