Chung cư cao cấp dán biển báo lạ ‘thang máy cho căn hộ nợ phí dịch vụ’

Thời gian gần đây, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều chung cư tại Hà Nội lại bùng lên tranh chấp. Khi mâu thuẫn chưa được giải quyết, một số chung cư xảy ra tình trạng cắt dịch vụ, thậm chí cả điện, nước của cư dân…

Thời gian gần đây, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều chung cư tại Hà Nội lại bùng lên tranh chấp. Khi mâu thuẫn chưa được giải quyết, một số chung cư xảy ra tình trạng cắt dịch vụ, thậm chí cả điện, nước của cư dân…

Dán biển báo: “Thang máy dành cho các căn hộ nợ phí dịch vụ”

Biển báo trên xuất hiện từ vài ngày qua tại khu vực thang máy chung cư 6th Element (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội). Ghi nhận tại chung cư có 5 thang máy, trong đó 4 thang máy sử dụng cho cư dân đi lại, 1 thang máy để chở hàng. Cư dân đi lại phải dùng thẻ quẹt. Câu chuyện bắt đầu từ những mâu thuẫn trong mức phí dịch vụ đang được áp dụng tại đây.

Chung cư 6th Element được quảng cáo là chung cư cao cấp do Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà làm chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành là Công ty CP Quản lý tòa nhà Friendly. Cư dân được bàn giao và vào ở hơn một năm rưỡi nhưng trong suốt vài tháng qua mâu thuẫn về vấn đề phí dịch vụ vẫn chưa thể giải quyết.

Biển báo "Thang máy dành cho các căn hộ nợ phí dịch vụ” tại chung cư 6th Element

Chị L.C, một cư dân cho biết, hiện ban quản lý (BQL) đang thu phí dịch vụ với giá 12.700 đồng/m2. Tuy nhiên, theo nhiều cư dân mức phí này chưa hợp lý. Trong 5 tháng qua nhiều cư dân chưa đóng phí dịch vụ.

“Trong năm 2020, nhiều cư dân đã gửi đơn kiến nghị mong muốn đối thoại với chủ đầu tư để biết được các dịch vụ đã cung cấp cho dân cư . Nhưng không nhận được phản hồi từ phía chủ đầu tư. Việc cư dân chưa đóng phí dịch vụ là muốn chủ đầu tư đối thoại với cư dân, minh bạch về vấn đề phí dịch vụ tại toà nhà” – chị L.C nói.

Cũng theo chị C. phí dịch vụ chỉ là một trong những vấn đề cư dân muốn làm rõ, bên cạnh đó cư dân cũng muốn đối thoại về các vấn đề tiện ích quảng cáo khi cư dân mua nhà nhưng đến nay đã một năm rưỡi về ở nhiều hạng mục tiện ích như nhà hát, skybar…cư dân chưa được sử dụng.

Trước đó, ngày 11/5, 9 căn hộ tại chung cư bị mất nước sau đó cư dân được thông tin là do lỗi kỹ thuật nhưng không nhận được hỗ trợ từ bộ phận kỹ thuật ban quản lý khiến người dân bức xúc.

Tại cuộc họp ngày 13/5 do UBND phường Xuân La tổ chức, cư dân cho biết trước đó không nhận được thông báo nào về việc cắt nước. Đến ngày hôm sau mới nhận được thông báo việc cắt nước do không đóng phí dịch vụ. Một hộ dân khác cho hay, gia đình chỉ chưa đóng phí dịch vụ còn tiền điện nước vẫn đóng đầy đủ nhưng vẫn bị mất nước.

Trong khi đó, đai diện BQL cho biết, theo hợp đồng mua bán có đưa ra mức phí dịch vụ cho đến khi thành lập ban quản trị toà nhà là 13.000 đồng/m2, chủ đầu tư đã hỗ trợ thu 12.700 đồng/m2. 5 tháng qua, dù BQL đã thông báo nhiều lần nhưng nhiều hộ không nộp với số tiền nợ lên đến hơn 3 tỷ đồng.

Cũng theo ban quản lý, trong hợp đồng mua bán có quy định nếu không đóng phí dịch vụ thì được quyền ngừng cung cấp dịch vụ gồm dịch vụ bơm nước lên căn hộ, điện hành lang chiếu sáng.

Căng thẳng leo thang tại chung 6th Element trong suốt 5 tháng qua vẫn chưa được giải quyết

Sau cuộc họp trên nhiều hộ dân đã nộp phí dịch vụ với mức 9.000 đồng/m2 thay vì 12.700 đồng/m2 như thông báo của ban quản lý, tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư đối thoại. Trong khi mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết thì việc dán biển báo phân thang máy dành cho các căn hộ nợ phí dịch càng khiến cư dân bức xúc.

“Mặc dù hiện tại, ban quản lý chưa cắt thẻ thang máy nào của cư dân nhưng có thể thấy đây là động thái cảnh báo cư dân của BQL . Có thể đến ngày 1/6 họ mới áp dụng các biện pháp mạnh tay. Cư dân cũng đang chờ thông báo thang máy đó là dành cho cư dân chưa đóng phí dịch vụ trong 5 tháng qua hay cả cư dân đã đóng 9.000 đồng/m2” – cư dân cho biết.

Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện BQL cho biết, chủ đầu tư và BQL đang thực hiện theo đúng quy định của hợp đồng.

“Trong hợp đồng đã có điều khoản rất rõ về việc thu phí dịch vụ với mức giá 13.000 đồng/m2 cho đến khi thành lập được ban quản trị. Trước khi thu mức phí 12.700 đồng/m2 BQL đã công khai niêm yết bảng giá cấu thành và có gửi email cho cư dân. Việc cư dân không đóng, nợ phí dịch vụ trong suốt 5 tháng qua khiến BQL mất cân bằng thu chi không có tiền để vận hành toà nhà thì buộc phải tiết giảm một số hạng mục để tiết giảm tối đa việc bị lỗ luỹ kế” – phía đại diện BQL cho biết.

Còn về việc thực hiện thang máy dành cho căn hộ nợ phí dịch vụ vị này cho biết đến nay chưa thực hiện nhưng nếu tình trạng cư dân không đóng, nợ phí dịch vụ vẫn diễn ra thì phải tiết giảm một số hạng mục, việc phân luồng thang máy là bình thường tại nhiều chung cư.

Trước những căng thẳng trên, UBND phường Xuân La đã đề nghị các bên tăng cường phối hợp, thông tin công khai minh bạch và đối thoại trong quá trình giải quyết. Ngoài ra, các bên cũng cần tôn trọng việc vận hành tòa nhà song giải pháp lâu dài vẫn là thành lập được ban quản trị.

Treo băng rôn bán cắt lỗ chung cư bị cắt điện giữa đêm

Vừa qua, theo phản ánh cư dân một chung cư thuộc khu tái định cư Đông Hội (huyện Đông Anh, Hà Nội), cư dân đã căng băng rôn bán nhà cắt lỗ và yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện tiện ích để đòi quyền lợi nhưng lại bất ngờ bị cắt điện giữa đêm.

Cư dân treo băng rôn bán nhà cắt lỗ và yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện tiện ích trong căn hộ để đòi quyền lợi

Anh T. một cư dân cho biết, sau khi căng băng rôn, bên phía BQL tòa nhà có gọi điện yêu cầu tháo dỡ nếu không sẽ ngừng cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, gia đình không đồng ý và yêu cầu chủ đầu tư đàm phán với cư dân để giải quyết sự việc. Khoảng 23h45 ngày 12/5, thì nhà bị mất điện không rõ lý do, không văn bản.

“Lúc đó do nhà tôi có con nhỏ nên rất hoảng loạn. Chúng tôi tìm đến BQL nhưng không có ai trực, lúc đó không có ai giải quyết vấn đề này cho chúng tôi”, anh T. nói. Không chỉ anh T. một số căn hộ khác cũng bị cắt điện lúc nửa đêm khiến cư dân bức xúc.

Anh L. một cư dân khác chia sẻ, gia đình anh nhận bàn giao nhà tại chung cư nói trên từ tháng 12/2020. Khi gia đình đi đăng ký tạm trú tạm vắng tại xã thì phát hiện chung cư chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC). Điều này dẫn đến việc không xin đi học được cho các con trên địa bàn.

Ngoài ra, cư dân còn phản ánh việc chủ đầu tư chung cư này bán nhà không đúng với quảng cáo, nhiều tiện ích tòa nhà như hạ tầng kỹ thuật, khuôn viên, hầm để xe đến nay chưa hoàn thiện hay phòng sinh hoạt cộng đồng chưa có…

Trong khi đó, trao đổi về việc cư dân treo băng rôn mà BQL ý lại cắt điện, phía chủ đầu tư cho biết trong hợp đồng có quy định: Cư dân không được phép treo băng rôn, áp phích, banner ảnh hưởng đến cảnh quan chung của tòa nhà. Trường hợp vi phạm, chủ đầu tư có quyền dừng cung cấp dịch vụ.

Về các tiện ích của chung cư, phía chủ đầu tư cho hay, chủ đầu tư xây dựng theo thiết kế được phê duyệt.

Liên quan đến vấn đề nghiệm thu PCCC, đại diện chủ đầu tư cho biết cho đến thời điểm hiện tại, chung cư đã được nghiệm thu PCCC theo công văn số 613/NT-PCCC&CNCH-P4 và công văn số 337/NT-PCCC&CNCH-P4 của cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công An)

Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, ngày 6/5 Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản gửi UBND huyện Đông Anh chuyển đơn phản ánh, kiến nghị của cư dân trong đó có phản ánh việc chủ đầu tư dự án có sai phạm, vi phạm pháp luật về xây dựng gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của của người mua nhà tại dự án.

Căn cứ theo quy định, Sở Xây dựng chuyển đơn của công dân đến UBND huyện Đông Anh để xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật. Thông báo kết quả giải quyết đến PC03 và Sở Xây dựng để tổng hợp.

Theo luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông, nếu người dân trực tiếp ký hợp đồng với điện lực quận hoặc huyện nơi sinh sống thì chủ đầu tư cắt điện của cư dân là sai.
Về việc cắt nước khi cư dân không đóng tiền dịch vụ điện nước, luật sư chia sẻ, việc cắt nước sinh hoạt được thực hiện theo quy định tại khoản khoản 2 Điều 45 Nghị định số 11/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Cư dân nên đóng tiền nước để chủ đầu tư trả tiền nước cho đơn vị cung cấp nước sinh hoạt, nếu chủ đầu tư không trả tiền nước cho đơn vị cung cấp nước sạch thì chủ đầu tư sẽ bị ngừng cung cấp nước, lúc đó cư dân cũng không có nước để sinh hoạt.

Luật sư cũng chỉ ra rằng cư dân nên hoàn thành nghĩa vụ tiền điện, nước, phí gửi xe. Bởi nếu không đóng tiền, đơn vị quản lý vận hành chung cư có quyền tạm ngừng cung cấp các dịch vụ theo thỏa thuận giữa Chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành chung cư đúng với quy định của Thông tư 02 của Bộ Xây dựng.

Thông tư 02 của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư quy định, trường hợp chủ sở hữu, người sử dụng không đóng góp khoản kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư thì đơn vị quản lý vận hành được áp dụng chế tài tạm ngừng cung cấp các dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư (do mình cung cấp) hoặc đề nghị đơn vị cung cấp điện, nước... cho nhà chung cư tạm ngừng cung cấp các dịch vụ này.
Trường hợp xảy ra tranh chấp, vi phạm hợp đồng thì được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ
X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 - 0915.511.577

CHAT VỚI

Chát 24/24