Tường chùa được xây bằng gạch vồ, lợp lá gồi, xưa có tên là chùa Vồi. Đến đời vua Hy Tông có hai người quê làng Thổ Hà (Bắc Giang) đến chùa để bán các đồ gốm sứ ở chợ trong, ngoài thành Thăng Long. Do buôn bán phát đạt, hai gia đình này tình nguyện công đức số tiền lớn cùng nhân dân trong xóm xây dựng lại chùa bằng gạch ngói vào năm Chính Hòa (1680). Từ đó, hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có ngôi chùa là Bối Hà và chùa có tên nôm là chùa Hà (đến ngày kỵ hàng tháng, hàng năm ở Thổ Hà, nhân dân xóm Bối Hà cử đoàn đại biểu sang lễ, và ngược lại).
Công trình kiến trúc chùa Hà được xây dựng trong một không gian thoáng đãng, mái chùa nép mình dưới vòm cây cổ thụ. Ngoài cùng là cổng Tam quan xây hai tầng có hệ thống cầu thang lên ở phía trái. Tầng trên xây kiểu chồng diêm, giữa bờ đinh mái thượng đắp nổi hình mặt trời lửa đặt trên hình hổ phù, hai đầu kìm đắp hình rồng đuôi xoắn, miệng ngậm bờ nóc, mái lợp giả ngói ống. Tầng dưới chia làm ba gian, với 12 cột trụ xây nổi trên mặt tường. Tam quan có ba vòm cửa, cửa giữa rộng hơn.
Sau cổng tam quan là vườn cây xanh, hồ nước hình bán nguyệt, cây đa và sân chùa. Bên cạnh hồ nước là bia đá bốn mặt Thánh Đức tự bi mới được phục chế gần đây. Ba mặt bia khắc chữ Hán theo nội dung lưu tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán nôm, một mặt bia khắc chữ quốc ngữ. Bia chùa tạo năm Chính Hòa thứ 16 (1695), Tri huyện Nguyễn Đình Trạch soạn văn bia. Ở bên phải trước cửa chùa đặt 18 tấm bia hậu được tạo vào cuối thời Nguyễn ghi việc tu sửa và gửi hậu tại chùa.
Trong Thượng điện của chùa còn lưu giữ một lư hương bằng đồng khắc ba chữ Hán “Thánh Đức tự ”. Theo các cụ cao tuổi trong làng, tên chùa Thánh Đức có từ thời Lê Thánh Tông. Tương truyền Nghi Dân Thái tử có tội với triều đình, không được nối ngôi, kết bè đảng đêm bắc thang vào thành Thăng Long đốt cháy cung điện, vua Lê Thánh Tông còn nhỏ phải chạy về chùa thôn Hậu (xã Dịch Vọng) cách chùa Hà khoảng 1000m để lánh nạn. Khi ấy vua Lê Thánh Tông cũng lui tới thăm chùa Hà. Sau đó hai chùa được đặt tên chữ là chùa Thánh Chúa và chùa Thánh Đức. Căn cứ truyền thuyết dân gian và khối kiến trúc vật chất cùng bộ sưu tập di vật văn hoá hiện còn lưu giữ tại chùa như: chuông đồng, hoành phi câu đối, bia đá có thể đoán định niên đại khởi dựng ngôi chùa vào thời Lê mạt. Hiện nay trước cửa chùa còn đôi câu đối có ghi “Lê triều Chính Hoà sáng tạo” có nghĩa là chùa được dựng năm Chính Hoà triều vua Lê Hy Tông.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: