Chưa cho phép người nước ngoài mua nhà để bán

Luật kinh doanh bất động sản (KDBĐS) đang sửa đổi đã mở rộng điều kiện kinh doanh cho Việt kiều và người nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản, nhưng vẫn chưa cho phép người nước ngoài mua bán nhà tại Việt Nam.

Luật kinh doanh bất động sản (KDBĐS) đang sửa đổi đã mở rộng điều kiện kinh doanh cho Việt kiều và người nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản, nhưng vẫn chưa cho phép người nước ngoài mua bán nhà tại Việt Nam.

Một khu dân cư có đông người nước ngoài sinh sống ở TPHCM

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra tại Hà Nội ngày 10-3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trình dự thảo Luật KDBĐS sửa đổi, hướng đến giải quyết những vướng mắc liên quan đến các điều kiện kinh doanh hiện có, mở rộng điều kiện kinh doanh cho nhiều đối tượng trên thị trường này.

Theo tờ trình của Bộ Xây dựng, thị trường kinh doanh bất động sản hiện đang vấp phải các vướng mắc như thiếu các quy định và chế tài đủ mạnh; phạm vi điều chỉnh (nhất là vốn đăng ký kinh doanh) thấp, lỏng lẻo; chưa cho phép người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia sâu hơn vào thị trường; thừa các quy định trung gian gây thiếu minh bạch thị trường (như quy định về sàn giao dịch)...

Trong dự thảo luật sửa đổi, có 3 điểm lớn được sửa theo hướng mở rộng thì trong đó có 2 điểm hướng đến mở rộng điều kiện kinh doanh cho Việt kiều và người nước ngoài. Theo đó, thay vì bị giới hạn tham gia như trước, nay Việt kiều định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản như tổ chức, cá nhân trong nước dưới các hình thức: đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật; thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại.

Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân người nước ngoài chưa được mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất được giao, đất nhận chuyển nhượng, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp để chuyển nhượng, cho thuê đất đã có hạ tầng kỹ thuật.

Bộ Xây dựng cho rằng quy định này theo Luật đất đai 2013 chưa cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Dự Luật sửa đổi cũng mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai thay vì chỉ được cho thuê, thuê mua bất động sản đã có sẵn như quy định hiện hành nhằm giúp các chủ đầu tư có điều kiện huy động vốn góp sớm từ người có nhu cầu thuê, thay vì chỉ được huy động vốn người mua nhà như trước.

Theo Chinhphu.vn, quy định mở rộng đối tượng kinh doanh bất động sản đối với nhà đầu tư nước ngoài được các ý kiến UBTVQH đồng tình nhưng cũng có ý kiến băn khoăn về việc xác định năng lực tài chính của các nhà đầu tư này.

“Phải có cơ chế kiểm soát năng lực của các nhà đầu tư ngoại”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị với cơ quan soạn thảo.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng Ban Dân nguyện cũng đề nghị dự án Luật cần thiết kế các điều khoản hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài trong kinh doanh bất động sản để tránh hệ lụy không hay.

Ngoài ra, tại phiên họp UBTVQH lần thứ 26 ngày 10-3, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thay mặt Chính phủ đã trình bày một số điểm mới trong dự án luật này, trong đó, ông đề nghị bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Việc bỏ quy định này nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập, cũng như các tác động tiêu cực của tổ chức trung gian này đối với thị trường trong thời gian qua, giảm thủ tục bắt buộc phải có chứng nhận đã giao dịch bất động sản qua sàn, tránh việc tăng giá ảo, tăng chi phí và gây thiệt hại cho người mua, đồng thời bảo đảm quyền tự chủ trong kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nhưng, một số thành viên UBTVQH chưa đồng tình với ý đề xuất trên. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhìn nhận sàn giao dịch bất động sản là một thiết chế hoạt động văn minh do đó không nên bỏ đi. Ông cũng yêu cầu cơ quan Nhà nước phải tạo điều kiện để cho loại hình này được hoạt động theo đúng bản chất của nó.

Ông Hùng cho rằng nên quy định việc kinh doanh sàn giao dịch bất động sản là một loại; kinh doanh các giao dịch về bất động sản diễn ra trên sàn là một loại khác... chứ không phải sàn giao dịch bất động sản sẽ làm tất cả các chức năng này, kể cả việc môi giới bất động sản.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết bộ này sẽ tiếp tục nghiên cứu hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản để hoạch định chính sách cụ thể đối với các công việc xoay quanh sàn này trên cơ sở minh bạch, đáp ứng được nhu cầu của bên mua và bên bán.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra về dự luật sửa đổi cũng đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan đến việc thuê nhà, công trình hình thành trong tương lai, tránh tình trạng xảy ra nhiều tranh chấp như các quy định về góp vốn với người đi mua nhà hiện có. Bởi vì hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê lại bất động sản hình thành trong tương lai hiện nay vẫn thiếu các quy định liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê lại.

Theo Chinhphu.vn, sau phiên họp này, dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ được mang ra lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 5 tới. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết dự án Luật này cùng với các quy định tại Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, pháp luật về quy hoạch sẽ đưa ra những giải pháp có tính ổn định lâu dài, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Bộ Xây dựng cho biết, việc mở rộng các quy định về kinh doanh bất động sản cũng nhằm thu hút thêm sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường này. Tính đến tháng 12-2012, đã có 389 dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản với tổng vốn đầu tư 49,8 tỉ đô la Mỹ; chiếm khoảng 23,32% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Nhờ đó, thu ngân sách từ bất động sản đã tăng đáng kể, từ mức 5.486 tỉ đồng năm 2002 lên đến 67.000 tỉ đồng năm 2011. Trong tổng thu ngân sách từ bất động sản thì nguồn thu từ tiền sử dụng đất chiếm tỉ trọng lớn (trên 70%), các khoản thuế chiếm tỉ trọng thấp hơn.

Cả nước hiện có trên 30.000 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản. Một nửa trong số này được hình thành trong 7 năm qua, kể từ khi Luật KDBĐS có hiệu lực.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME

Chia sẻ & Bình luận

ĐĂNG KÝ THIẾT KẾ
X HOME - THINKDIFFERENTLY * NGÔI NHÀ ĐẶC BIỆT - SUY NGHĨ KHÁC BIỆT chuyên thiết kế, thi công xây dựng, nội thất, sơn bả thạch cao, mỹ thuật, sân vườn tiểu cảnh, cây cảnh, cây công trình. Hotline: 0965.163.169 - 0975.163.169 - 0949.163.169 - 0902.112.114 - 0915.511.577

CHAT VỚI

Chát 24/24