mặc dù thời gian khởi công dự án đã trôi qua hơn 5 tháng
Như đã phản ánh, đơn giá bồi thường hỗ trợ tại dự án BĐS Thành Công chỉ từ 70-100 triệu VND/ khẩu nên nhiều người dân không chấp nhận. Do vậy, UBND huyện Thủy Nguyên đã có kiến nghị thay đổi một số điều trong Quyết định 1263/2010/QĐ-UBND của UBND thành phố nhằm giải quyết khó khăn cho người dân trong vùng dự án cũng như tháo gỡ cho DN.
Liệu có thay đổi ?
Tại Nghị định 69/2009 NĐ - CP quy định: “hỗ trợ bằng tiền từ 1,5 đến 5 lần giá đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương. b) Hỗ trợ một lần bằng một suất đất ở hoặc một căn hộ chung cư hoặc một suất đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp...”, trên cơ sở này, UBND TP Hải Phòng ra Quyết định 1263/2010/QĐ-UBND ngày 30/7/2010, quy định: “Thành phố không thực hiện việc hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp bằng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp mà thay vào đó, tất cả sẽ được chi trả bằng tiền mặt. Và mức hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm bằng 2 lần giá đất nông nghiệp cùng vị trí”. Áp dụng tại dự án BĐS Thành Công tại Thủy Đường, giá đền bù được tính trung bình từ 50.000 - 60.000 VND/m2 x 2.
Mặt khác, sau khi thu hồi đất cho dự án BĐS Thành Công, diện tích đất nông nghiệp của Thủy Đường chỉ còn 2%. Chính vì thế, các hộ dân ở đây đã yêu cầu được bồi thường bằng đất phi nông nghiệp để ổn định đời sống. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Viển - Giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên: UBND huyện đã có kiến nghị với UBND TP giải quyết nhanh vấn đề tại Thủy Đường, nhưng chắc chắn không thể trong ngày một ngày hai. Để sửa đổi, cần phải có ý kiến của các sở ban ngành...
Thực tế, Quyết định 1263 đã không còn phù hợp, trong khi nhà nước cho hỗ trợ bằng tiền từ 1,5 đến 5 lần, thì thành phố chỉ lấy mức thấp là 2 lần. Sự cào bằng này sẽ gây khó khăn rất lớn trong công tác GPMB đối với những xã có hạn ngạch đất nông nghiệp thấp như ở xã Thuỷ Đường - huyện Thủy Nguyên. Một cán bộ của UBND huyện Thủy Nguyên cho biết: Các dự án thu hồi đất nông nghiệp tại Thủy Nguyên khi thực hiện đền bù GPMB rất phức tạp, do đất ít, giá quy định lại thấp nên tiền đền bù chẳng được là bao? Vì vậy, phần lớn các dự án đều xảy ra tình trạng ì ạch trong khâu GPMB. Điều này không chỉ phiền toái cho người dân mà DN cũng chán ngán.
Chủ đầu tư... “bó tay” với dự án
Bà Lê Thị Thu Huyền - Phó TGĐ thứ 2 Cty TNHH Union Success VN - chủ đầu tư - Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, chung cư, biệt thự cao cấp bán và cho thuê, khách sạn 5 sao và khu ẩm thực chợ đêm tại xã Thủy Đường - huyện Thủy Nguyên lo lắng: “Theo giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ nhất, dự án đã chậm tiến độ đến... 5 tháng! Trong khi Cty đang nóng lòng khởi công xây dựng công trình thì mặt bằng vẫn chưa được bàn giao. Chúng tôi đang lo lắng chưa biết sẽ xoay xở thế nào, trong khi nhiều năm qua đi mà dự án vẫn chỉ là đồng lúa mênh mông”.
Bà Trương Thị Thùy Linh - Trưởng ban quản lý dự án cũng cho biết: “Theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 69/2009 NĐ-CP quy định: Chi phí bồi thường GPMB, chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của diện tích đất dự án được trừ vào tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp. Dự án BĐS Thành Công có thời gian thực hiện là 50 năm. Nếu tiến độ triển khai xây dựng dự án càng kéo dài thì thời gian thu hồi vốn ngắn lại. Hiện nay, số tiền phục vụ cho dự án đã lên đến gần 10 triệu USD, nhưng tiến độ vẫn… giẫm chân tại chỗ! Dự án kéo dài từ năm 2008, do trượt giá số tiền đền bù GPMB cũng tăng, DN phải bù lỗ là khó tránh”.
Thực tế, để giải quyết tình trạng ách tắc trong GPMB, nhà đầu tư đã nhiều lần đề nghị thành phố giao đất từng phần, từng giai đoạn để xây dựng. Nhưng, ông Nguyễn Văn Viển cho biết: “Diện tích đã nhận bồi thường nằm xen lẫn giữa đất chưa nhận bồi thường như kiểu xôi đỗ, nên sẽ phải mất một khoảng thời gian và chi phí khá lớn để thực hiện các thủ tục như trích đo, lập hồ sơ địa chính... Vì vậy, phương án này... không khả thi!”.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: