Cùng với những tâm tư về tương lai của đội ngũ TTXD, nhiều ý kiến cho thấy sự lo ngại về diễn biến xấu của tình hình quản lý trận tự xây dựng trên địa bàn sau ngày 15/5/2013 - thời điểm Nghị định 26/2013/NĐ-CP (NĐ 26) có hiệu lực.
Nặng trĩu tâm tư
NĐ26 về tổ chức và hoạt động của TTXD với quy định cơ quan Thanh tra Nhà nước ngành xây dựng chỉ gồm Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng mà không còn cấp quận, huyện và xã, phường. Đây không phải là thông tin bất ngờ đối với những cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này ở cấp Bộ hay Sở vì Dự thảo NĐ26 đã trải qua quá trình xây dựng và lấy ý kiến gần 2 năm mới đi đến hoàn thiện và chính thức ban hành. Nhưng đây vẫn là tin "sốc" với những người trực tiếp làm công tác TTXD ở các địa phương, đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn.
Với 5 năm chính thức thực hiện thí điểm theo Quyết định số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thực tế thực hiện nhiệm vụ 10 năm, lực lượng TTXD đã đóng góp không nhỏ vào công tác quản lý đô thị. Tuy rằng có tiêu cực, có sai phạm, dẫn đến việc trong năm 2012 có tới gần 10% cán bộ của lực lượng TTXD đã phải chịu các hình thức kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi việc. Điều mà nhiều người rất băn khoăn là chưa hề có một đánh giá chính thức nào về hoạt động của lực lượng này trước khi NĐ26 ra đời.
Lực lượng Thanh tra xây dựng làm nhiệm vụ cưỡng chế tại C2 Giảng Võ. Ảnh: Trình Vũ
Ông Nguyễn Đình Tĩnh, Chánh TTXD quận Hoàn Kiếm phân tích, nếu theo phương án hoạt động dưới hình thức Đội Quản lý trật tự xây dựng như Sở Xây dựng đang đề xuất thì chế độ tiền lương sẽ tính như thế nào với những cán bộ đã đáp ứng đủ tiêu chí và đang hưởng lương theo chế độ thanh tra viên. Mặt khác, phần đông TTXD ở diện ký hợp đồng với các xã, phường, nếu thực hiện theo phương án rút lực lượng TTXD về Sở Xây dựng quản lý thì lại không thể "ôm" được hết số lượng này. Đến thời điểm hiện tại, lực lượng TTXD trên toàn địa bàn TP Hà Nội là hơn 1.720 cán bộ. Trong đó mỗi xã có trung bình 2 - 3 cán bộ, mỗi phường có 3 - 4 cán bộ. Nhiều ý kiến tỏ ra rất bức xúc vì để kiện toàn bộ máy, trong thời gian qua lực lượng TTXD đã tham gia nhiều khóa học, lớp tập huấn do Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ tổ chức để nâng cao chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Thậm chí có những người mới tốt nghiệp đại học với định hướng thi tuyển vào lực lượng này đã đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc để tham gia các khóa học nhằm đáp ứng yêu cầu về bằng cấp, trình độ của một thanh tra viên. Để được tuyển dụng, TTXD cũng phải qua các kỳ thi do Sở Nội vụ tổ chức, Thành phố ra quyết định công nhận, nay theo NĐ26 lực lượng TTXD tại các quận, huyện, xã phường lại không còn chỗ đứng... "Thực tế này rất đau xót!" - ông Đoàn Hỹ - Chánh TTXD huyện Đông Anh nói.
Lo vi phạm bùng phát
Ông Chu Văn Đức, Chánh TTXD huyện Từ Liêm cho biết, ngay sau khi NĐ26 được ban hành, Huyện ủy đã tổ chức họp chuyên đề và yêu cầu TTXD phải báo cáo chính thức về nhân sự, những vấn đề tồn đọng. Tương tự, nhiều quận, huyện khác, thị xã Sơn Tây... cũng đã tiến hành họp bàn về những thay đổi, những vấn đề phát sinh khi NĐ26 chính thức có hiệu lực. Lo lắng chung của chính quyền cơ sở là lợi dụng lúc lực lượng TTXD không còn chức năng, nhiệm vụ, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng sẽ bùng phát. Ông Nguyễn Đình Tĩnh lo lắng, nếu đến thời điểm 15/5, TTXD không còn tư cách, danh nghĩa gì thì làm sao có thể lập biên bản, việc đề xuất xử lý sẽ thế nào (?).
Ông Ngô Mạnh Điềm, Chánh TTXD quận Long Biên băn khoăn: Tới đây làm sao giữ được "trận địa"! Với thực tế chỉ cần 2 ngày là xây xong một căn nhà thì tình hình quản lý trật tự xây dựng sẽ ra sao khi lực lượng TTXD không còn chức năng, nhiệm vụ?". Ông Điềm cho biết, có trường hợp vi phạm đã bị lực lượng TTXD phát hiện, nay trước thông tin về lực lượng TTXD sẽ không còn quyền hạn vào ngày 15/5 tới, họ đã tập kết vật liệu chỉ chờ đến ngày này là tiến hành... vi phạm. Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của ông Điềm, trong lúc chờ đợi Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng và quyết định của Thành phố, Sở Xây dựng cần có văn bản hướng dẫn để lực lượng TTXD thực hiện nhiệm vụ.
Lo lực lượng TTXD "giã đám" hoặc "ngồi chơi" chờ sắp xếp, tổ chức lại, ông Trần Đức Học, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thiết tha đề nghị các cán bộ TTXD tiếp tục duy trì hoạt động bình thường, hiệu quả cho đến ngày 15/5 với đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 89/QĐ-TTg. Sau thời điểm này, lực lượng vẫn tiếp tục tạm thời tồn tại nhưng chức năng, quyền hạn phải tạm dừng vì nếu thực hiện là sai luật. Nhiệm vụ khi đó sẽ là giúp chính quyền quận, huyện, phường xã trong quản lý trật tự xây dựng, báo cáo ngay khi có vi phạm phát sinh. Ông Học cho biết, UBND TP đã giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng ngay trong tháng 4 phải hoàn tất việc lập Đề án bố trí lực lượng TTXD theo NĐ26 và Quy chế phối hợp giữa lực lượng TTXD với chính quyền cơ sở. Quan điểm của Sở Xây dựng là lực lượng TTXD phải trực thuộc các quận, huyện để phù hợp với thực tiễn và có hiệu quả nhất.
Khi có Nghị định số 26, Thanh tra Bộ Xây dựng hiểu tình huống là rất "căng thẳng" vì đây là việc liên quan đến thiết kế, phương thức vận hành của một bộ máy lên đến hàng ngàn người. Bộ Xây dựng đang khẩn trương soạn thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 26, nguyên lý của Thông tư là đảm bảo ổn định lực lượng, phù hợp pháp luật và có tác dụng tốt với thực tiễn. Tuy nhiên, thời gian rất gấp, việc ban hành Thông tư sẽ khó kịp thời điểm 15/5/2013. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: