Xin cấp phép thêm sân golf để làm gì?
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, đến năm 2020 cả nước chỉ còn 90 sân golf nằm trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố (cắt giảm 76 dự án sân golf, từ 166 xuống còn 90, thu hồi 15.600ha đất). Trong 90 dự án còn lại sau đó được đề nghị rút 5 dự án ra khỏi quy hoạch. Trong số 90 sân golf được phê duyệt thì có 29 sân đã đi vào hoạt động; 22 sân đang xây dựng; 13 sân được cấp giấy phép chứng nhận đầu tư và 23 sân golf được chấp nhận chủ trương đầu tư. Trong số này chỉ có một số sân golf đạt kết quả kinh doanh khá như sân golf Lương Sơn (Hòa Bình), Đồng Mô, Vân Trì (Hà Nội), Chí Linh (Hải Dương)... Nhưng Bộ KH-ĐT cho biết vừa qua nhiều địa phương đã có văn bản đề nghị Thủ tướng bổ sung các dự án sân golf hoặc dự án trong đó có sân golf vào quy hoạch.
Điều đáng nói là thực tế, năng lực của chủ đầu tư trong nhiều dự án sân golf rất hạn chế. Nhiều dự án đã được chính quyền địa phương giao đất từ lâu nhưng chủ đầu tư chậm triển khai do thiếu vốn hoặc do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Thêm vào đó, còn xảy ra tình trạng Tập đoàn Nhà nước sử dụng vốn đầu tư vào nhiều dự án sân golf không phải là lĩnh vực chủ lực của họ. Cụ thể là Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin). Vinashin đã nhận chủ trương cho phép thực hiện 5 dự án sân golf có tổng diện tích trên 2,2 nghìn ha tại 5 địa phương là Bắc Giang, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Vĩnh Phúc. Tổng vốn đầu tư của các dự án này lên tới 473 triệu USD.
Điều đáng nói nữa là thu nhập bình quân đầu người ở nước ta vẫn còn thấp, nhu cầu chơi golf không phải là của đại bộ phận người dân nhưng đã vượt xa nhiều nước trên thế giới về số lượng sân golf. Nước Pháp nhưng chỉ có 40 sân. Tại sao lại có nghịch lý này?
Bất động sản “núp bóng”
Câu trả lời là ở chỗ có quá nhiều lợi nhuận với các chủ đầu tư khi xin xây dựng sân golf. Khi chọn phương án đầu tư kiểu này, nhà đầu tư không chỉ dễ dàng vượt qua các thủ tục thẩm định phức tạp, không cần đầu tư nhà xưởng, thiết bị như các ngành nghề khác, mà vẫn được phép “thu hồi” một diện tích đất vô cùng lớn. Chính vì thế, cứ xin đầu tư dự án “sân golf - khu nghỉ dưỡng”, “sân golf - khu du lịch sinh thái”… là các chủ dự án có thể đầu tư, mở rộng tới mức tối đa. Để rồi sau đó, khi nắm được đất trong tay, họ có thể chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển sang làm việc khác như là xây dựng nhà để bán, xây khách sạn cho thuê. Trong thời điểm, đầu tư BĐS được coi là đầu tư siêu lợi nhuận, nó có thể lý giải vì sao các dự án sân golf được phát triển ồ ạt đến như vậy!
Theo một kết quả kiểm tra các dự án cho thấy chỉ có 40% diện tích đất được sử dụng làm sân golf, 60% còn lại là cho các hạng mục bất động sản. Có nhiều dự án chiếm đất lớn như Tam Nông (Phú Thọ) hơn 2.000ha, nhưng diện tích xây dựng sân golf chỉ gần 172ha; dự án Khu du lịch quốc tế Tản Viên (Hà Nội) tổng diện tích hơn 1.200ha nhưng sân golf chỉ chiếm 222ha; dự án Khu du lịch - đô thị sinh thái Quan Sơn (Hà Nội) hơn 1.700ha, diện tích dành cho sân golf chỉ trên 161ha… Kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành về quy hoạch sân golf cho thấy hiệu quả đầu tư của các dự án sân golf hiện nay chủ yếu từ kinh doanh bất động sản (bán và cho thuê biệt thự) và bán thẻ hội viên. Bởi nếu chỉ kinh doanh dựa trên việc thu phí chơi golf khoảng 100USD/ngày/lượt, hiệu quả chắc chắn không cao!
Chính vì thế ở nhiều nơi, thậm chí người ta phá cả rừng nguyên sinh, san lấp cánh đồng lúa nước để làm sân golf. Hậu quả là lũ lụt thường xuyên, an ninh lương thực bị ảnh hưởng. Việc xây dựng sân golf trong sân bay gần đây cũng gây nhiều bức xúc trong dư luận. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, có không ít đại biểu chất vấn “tư lệnh” các ngành Kế hoạch Đầu tư, Giao thông vận tải và cả Thủ tướng về việc xây dựng sân golf trong sân bay như sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Gia Lâm, trường bắn Miếu Môn. Việc đảm bảo an ninh quốc phòng, an toàn bay như thế nào khi khu phức hợp sân golf - biệt thự nghỉ dưỡng này nằm dưới vòng lượn của máy bay? Hiệu quả kinh tế thế nào khi mỗi đêm nhiều máy bay phải bay từ Tân Sơn Nhất ra gửi ở sân bay Đà Nẵng?... Mặc dù nhà đầu tư dự định cắt giảm độ cao công trình dịch vụ từ 12 tầng xuống còn 5 tầng nhưng theo các chuyên gia ngành hàng không thì dự án này vẫn gây ra áp lực cho phi công khi hạ cánh, cất cánh do ảnh hưởng đến vòng lượn của máy bay và dẫn đến những hệ lụy khó lường.
Tác hại lớn như vậy nhưng các chủ đầu tư rất mặn mà với các dự án sân golf. Nói điều đó vì các dự án này chiếm diện tích đất lớn, hàng trăm ha cho một dự án nhưng giá đất khi được đền bù, thu hồi thì lại rất rẻ mạt. Các dự án sân golf ở các địa phương có mức giá đền bù đất ruộng thấp hơn nhưng khi xin chuyển đổi thành dự án bất động sản, các lô nhà biệt thự hay liền kề chắc chắn giá sẽ gấp hàng trăm lần. Lợi nhuận gấp 100 lần làm cho các nhà đầu tư sẵn sàng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án sân golf. “Kịch bản” này đã từng được diễn rất hoàn hảo tại dự án Ciputra - Hà Nội, nơi các lô đất biệt thự được rao bán với giá gần 100 triệu đồng/m2. Các lô đất này vốn nằm trên sân golf trong dự án từ những năm 1990. Khoảng đầu những năm 2000, nó được “điều chỉnh” quy hoạch thành các lô nhà ở sang trọng.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho biết: Thực tế nhiều sân golf nhưng không phải là sân golf mà là các dự án biệt thự, nhà ở. Nếu việc quản lý không cẩn thận sẽ biến thành các khu đô thị con. Vì thế, trước khi phê duyệt sân golf cơ quan quản lý nên biết diện tích đất trên đầu người ở Việt Nam đang thuộc dạng thấp nhất châu Á, nên nguyên tắc là phải tiết kiệm đất đai. Sân golf là một loại hình thể thao được hưởng nhiều ưu đãi, kể cả thuế. Nếu kinh doanh bất động sản trong sân golf, thuế và các cơ chế phải khác.
Cần xiết chặt quản lý
Rõ ràng, các dự án sân golf hiện nay có quá nhiều bất cập, từ mục đích đến nhu cầu sử dụng, hiệu quả cũng như năng lực của chủ đầu tư, cấp phép tràn lan; ăn lạm vào đất trồng lúa, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (vì các sân golf đều sử dụng một lượng lớn hóa chất để nuôi trồng cỏ)... Điều đó lý giải một phần vì sao, một số dự án đầu tư sân golf đã gặp phải sự phản ứng mạnh của dư luận! Việc nhiều sân golf tại các địa phương nằm ngoài quy hoạch cũng cho thấy tính bắt buộc của Quy hoạch sân golf không cao, không nghiêm trong quá trình triển khai. Tình trạng vượt quyền, tự ý làm đã xảy ra ở nhiều tỉnh thành. Chính phủ cần nghiêm khắc xử lý những sân golf phá quy hoạch, đưa ra các quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo các dự án sân golf phải kinh doanh và chỉ kinh doanh thể thao chứ không phải lợi dụng sân golf để kinh doanh bất động sản như thời gian qua, tránh tạo một tiền lệ xấu, và chỉ cấp phép sân golf mới khi nhu cầu người chơi golf ở Việt Nam tăng cao.
Với số dự án sân golf như hiện nay thì sau 15-20 năm nữa chúng ta cũng chưa sử dụng hết. Nếu nói là thu hút du lịch thì rõ ràng người nước ngoài chơi golf ở Việt Nam không nhiều, trong khi những người Việt Nam có điều kiện chơi golf lại quá ít. Theo tính toán, với khoảng 100.000 người có đủ khả năng kinh tế để chơi golf thì xung quanh các thành phố lớn (kể cả Thủ đô Hà Nội) cũng chỉ cần vài, ba sân golf là đủ. Vậy nhưng, có một hiện tượng “cung đáp ứng quá cả cầu” dù không cần biết khi đi vào hoạt động các sân golf này sẽ sinh lãi hay lỗ. Như vậy là một sự lãng phí lớn, trước hết là lãng phí đất đai, sau là lãng phí đầu tư.
- Theo nghiên cứu, trung bình mỗi năm một sân golf 18 lỗ sử dụng khoảng 1,5 tấn hóa chất (cao gấp 3 lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp). Trong đó, có các chất như axit silic, ôxit nhôm và ôxit sắt (tác nhân gây ung thư), chất xúc tác làm cứng đất để gia cố nền và bờ các hồ nhân tạo ở sân golf có sử dụng Acrylamide là chất cực độc đối với sinh vật và sức khỏe con người. Tất cả các loại hóa chất này có thể ngấm xuống lòng đất, vào nước ngầm, chảy tràn khi mưa sẽ đưa đến các vùng đất, nước mặt lân cận, gây nên trình trạng ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, khi phun hóa chất vào các thảm cỏ, một phần chúng phát tán vào môi trường làm ô nhiễm không khí. Ngoài ra một sân golf 18 lỗ cần tới 150.000 m3 nước sạch mỗi tháng, tương đương nhu cầu của 20.000 hộ gia đình. Lượng nước này thường được khai thác từ sông hồ hoặc nguồn nước ngầm tại chỗ. Vì vậy gây ra tình trạng tụt giảm nguồn nước ngầm ở các khu vực liền kề và thúc đẩy sự phát tán các hóa chất độc hại vào mạch nước ngầm. - Nhiều quốc gia cùng thống nhất lấy ngày 29-4 hàng năm là “World-no-Golf Day” (Ngày Thế giới không có golf). Trên thế giới đã có cả một phong trào toàn cầu chống sân golf. Họ cho rằng, đằng sau khung cảnh đầy vẻ quý tộc, sang trọng và màu xanh đẹp đẽ của thảm cỏ sân golf tạo hóa là những mối đe dọa gây hậu quả sinh thái không thể tính toán được bằng tiền. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: