Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, đến hết năm 2016 sẽ hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa (DĐĐT).
Hiện tại, các khó khăn đã được tháo gỡ và công tác cấp giấy chứng nhận cơ bản triển khai khá thuận lợi, tuy nhiên tiến độ vẫn chậm trễ. Ông Lê Thiết Cương, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố cho biết, các địa phương cần nỗ lực để đạt kết quả cao nhất, tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất.
Người dân làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp tại bộ phận một cửa UBND huyện Sóc Sơn. Ảnh: Thái Hiền
Tiến độ chậm
Nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân, huyện Chương Mỹ đã thành lập ban chỉ đạo và các tổ công tác trực tiếp xuống cơ sở tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc. Các phòng, ban chuyên môn của huyện cũng làm việc ngoài giờ sẵn sàng phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận cho hộ dân khi có đủ hồ sơ. Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Đồng Bùi Hữu Tha cho hay: Ban đầu, địa phương gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Sau khi được các sở, ngành thành phố hướng dẫn chi tiết, địa phương đã giải quyết được hàng loạt khó khăn.
Tìm hiểu tình hình, các huyện, thị xã, cán bộ cơ sở đều cho biết, không còn gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT cho các hộ dân, nhưng, kết quả cấp giấy chứng nhận vẫn chậm trễ. Đơn cử, xã Hợp Đồng (Chương Mỹ), mới cấp được 298/1.500 giấy chứng nhận cần cấp. Tính chung toàn huyện Chương Mỹ, đến trung tuần tháng 10, mới cấp được 2.602/68.092 giấy chứng nhận cần cấp, đạt tỷ lệ 2%. Tương tự, tại huyện Sóc Sơn, cấp được 6.014 giấy/39.643 giấy chứng nhận, đạt tỷ lệ 15%. Huyện Phú Xuyên cấp được khoảng 6.000 giấy, đạt tỷ lệ 12%. Lũy kế đến hết tháng 9-2016, toàn thành phố đã cấp 272.969 giấy chứng nhận, đạt tỷ lệ 37,7% so với kế hoạch.
Không quyết liệt khó hoàn thành!
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa cho các hộ dân chậm trễ? Ông Đào Anh Đức, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chương Mỹ cho biết: Địa phương có 32 xã, thị trấn, số giấy chứng nhận cần cấp là hơn 68.000 hồ sơ, nhiều nhất thành phố nên cần thời gian để giải quyết.
Còn Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn Nguyễn Trường Giang cho biết: Sóc Sơn là huyện đầu tiên triển khai thực hiện công tác DĐĐT trên địa bàn thành phố với diện tích 10.800ha. Do làm trước khi thành phố ban hành hướng dẫn, kế hoạch về DĐĐT nên quy trình thực hiện, phương án giao ruộng cho hộ dân sơ sài, chưa đúng với hướng dẫn. Khi triển khai công tác cấp giấy chứng nhận, rà soát có khoảng 30% số thôn, làng khi DĐĐT không có phương án phê duyệt và hồ sơ giao ruộng, do vậy, việc cấp giấy chứng nhận phải để lại.Huyện Sóc Sơn đã yêu cầu các địa phương hoàn thiện lại phương án giao ruộng, vì thế mất nhiều thời gian.
Ông Nguyễn Trường Giang cũng cho biết, theo hướng dẫn của thành phố thì có thể cấp giấy chứng nhận trên phương án giao ruộng khi DĐĐT, nhưng huyện Sóc Sơn phấn đấu hoàn tất đo đạc bản đồ để cấp giấy chứng nhận cho chính xác nên mất thêm thời gian. Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành công tác đo đạc bản đồ tại 24 xã.
Tại xã Phú Túc (Phú Xuyên), hiện mới cấp được 100/2.245 hồ sơ cần cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT cho các hộ dân. Nói về nguyên nhân chậm trễ, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Khiêm cho biết: Phú Túc triển khai công tác cấp giấy chứng nhận muộn hơn so với các xã khác của huyện khoảng 1 tháng, do thời điểm đó, xã phải tập trung xử lý, giải quyết vi phạm trật tự xây dựng lấn chiếm đất công. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng, việc hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận liên quan trực tiếp đến cán bộ thôn, nhưng hiện nay chưa có hỗ trợ cụ thể cho thành phần này. Để đẩy nhanh tiến độ, đề nghị thành phố sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đối tượng trực tiếp tham gia hoàn thiện hồ sơ.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Hùng đánh giá: Việc triển khai cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT cho các hộ dân ở cơ sở đạt thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu, tiến độ theo kế hoạch đề ra. Công tác tập trung, chỉ đạo ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt. Một số địa phương đến nay mới xây dựng xong kế hoạch thực hiện việc đo đạc, cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận cho các hộ dân; có địa phương để thất lạc hồ sơ, phương án DĐĐT, sơ đồ đo đạc, chia ruộng, biên bản bốc thăm giao ruộng cho nhân dân, gây khó khăn cho công tác cấp giấy chứng nhận…
Rõ ràng, với tiến độ như hiện nay, nếu các địa phương không quyết liệt triển khai sẽ rất khó hoàn thành kế hoạch cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp cho các hộ dân theo chỉ đạo của thành phố. Ông Lê Thiết Cương, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố cho biết, các địa phương cần nỗ lực cố gắng để đạt kết quả cao nhất, tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất. Thành phố sẽ đưa chỉ tiêu hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp vào chỉ tiêu đánh giá, công nhận xã hoàn thành nông thôn mới 2016.