Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, dự án đường Vành đai 2 có 4 đoạn được quy hoạch từ năm 2007. Đến nay, chỉ có đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, TP Thủ Đức, TP HCM) dài 2,75 km được thi công, đạt 44% khối lượng.
Khắp nơi "tắc" vốn
Tuy nhiên, khối lượng đạt được của đoạn 3 nêu trên là từ 2 năm trước. Từ đó đến nay, đơn vị thi công đã tạm dừng vì chờ TP thanh toán hợp đồng BT và chờ giải phóng mặt bằng.
Ở đoạn này, trước khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi có mặt tại một số điểm đang thi công ở công trường (thuộc phường Tam Phú, TP Thủ Đức) và ghi nhận những nhánh cầu đổ bê-tông dang dở phơi mưa phơi nắng, rất lãng phí, xung quanh cỏ dại mọc um tùm. Hỏi người dân quanh khu vực, ai cũng mong dự án sớm hoàn thành để bộ mặt đô thị được thông thoáng. "Giờ không chỉ lãng phí mà đây còn là nơi "nuôi muỗi" - ông Nguyễn Văn Tại ở phường Tam Phú cho biết.
Đoạn 3 đã vậy, 3 đoạn còn lại - gồm đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội, đoạn 2 từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng và đoạn 4 từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh - còn "tắc" hơn. Lý do được các cơ quan liên quan lý giải là đến thời điểm hiện tại, các đoạn này vẫn chưa được giao nhiệm vụ cụ thể và chưa được bố trí vốn.
Trong khi đó, dự án đường Vành đai 3 đi qua 4 tỉnh, TP: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An vừa được Bộ GTVT đưa ra hàng loạt giải pháp đẩy nhanh. Đến nay, các địa phương liên quan đều than khó và đồng loạt kiến nghị về vốn.
Đoạn 3 dự án đường Vành đai 2 đi qua TP Thủ Đức (TP HCM) hiện tạm dừng thi công Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cụ thể, trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP HCM nhấn mạnh dự án đầu tư khép kín đường Vành đai 3 là dự án lớn, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, liên quan nhiều địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ưu tiên hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ, TP HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các địa phương về việc huy động vốn ngân sách (trung ương và địa phương) tham gia dự án. Đồng thời, thống nhất cơ quan chủ trì báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án. Với thực trạng này, UBND TP HCM nhận định chưa đủ cơ sở để báo cáo Thủ tướng quyết định giao UBND TP là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức hợp tác công tư và hướng dẫn của Bộ GTVT trước đó.
Về phía Đồng Nai, khi cho ý kiến về dự án đường Vành đai 3, UBND tỉnh này cho biết nguồn vốn ngân sách của tỉnh đang tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19 nên không còn để triển khai dự án. Do đó, Đồng Nai đề nghị tính toán lại tổng chi phí đầu tư có bổ sung chi phí giải phóng mặt bằng (bao gồm đường Vành đai 3 và đường song hành), chi phí đầu tư xây dựng đường song hành vào dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư PPP. Trong đó, tính toán phần vốn góp vào tối đa của tỉnh Đồng Nai là huy động từ nguồn ngoài ngân sách.
Riêng UBND tỉnh Bình Dương chưa nêu rõ phương án huy động vốn cho dự án này.
Gỡ khó cách nào?
Để gỡ khó cho đoạn 3 của dự án đường Vành đai 2, ông Phan Công Bằng cho hay Sở GTVT TP HCM đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành giải quyết các vướng mắc, khó khăn như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, rà soát quỹ đất nhằm thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT đã ký trước đó.
Sở GTVT TP HCM cũng đã gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách TP đối với đoạn 1 và 2 của dự án đường Vành đai 2. Còn đoạn 4, Sở GTVT kiến nghị UBND TP HCM giao nhiệm vụ, bố trí kế hoạch vốn trình HĐND TP thông qua để có cơ sở triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư công, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho dự án đường Vành đai 2 và 3, TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế - cho rằng cần có cơ chế huy động vốn từ ngân sách nhà nước cho đến cả những nhóm đối tượng hưởng lợi từ dự án. Cụ thể, có 4 nguồn vốn có thể huy động để thực hiện 2 dự án này.
Thứ nhất, trung ương cần thiết nên cho TP HCM giữ lại một phần ngân sách để thực hiện các dự án trọng điểm; sau khi dự án hoàn thành, hoạt động kinh tế trên trục dự án phát triển, ngân sách TP sẽ thu lại, nộp về cho trung ương. Thứ hai là nguồn vốn ngân sách TP. Thứ ba là vốn từ phát hành trái phiếu đô thị - đây là phương thức nhiều nước trên thế giới áp dụng phổ biến, có hiệu quả hơn vốn vay ngân hàng. Thứ tư là có cơ chế thu lại một phần giá trị bất động sản gia tăng nhờ dự án đi qua của các nhóm chủ đất, chủ bất động sản, giúp giảm tình trạng điều tiết đất bất thường, không theo quy định của pháp luật.
"Nguồn vốn tư nếu triển khai thực hiện sẽ thu về số tiền không nhỏ. Thực tế, rất nhiều con đường mở ra tại TP HCM khiến giá đất tăng rất cao, giúp nhiều nhà đầu tư hưởng lợi "khủng", trong khi ngân sách TP không thu được gì mà còn phải bỏ tiền ra để bồi thường khi giải phóng mặt bằng" - TS Đinh Thế Hiển nhìn nhận.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP HCM, nhóm các dự án kết nối vùng (trong đó có đường Vành đai 2, 3) là 1 trong 4 nhóm được đề xuất ưu tiên bố trí vốn. "Đây là những dự án cấp thiết, có sức nặng để hoàn thành đa mục tiêu. Tuy nhiên, cái khó là ngân sách nhà nước có hạn, nguồn vốn cho hạ tầng giao thông chỉ đạt khoảng 40% so với nhu cầu. Do đó trong 5 năm tới, TP HCM cần tính toán kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa, khai thác nguồn lực quỹ đất dọc các tuyến đường chuẩn bị đầu tư để tăng nguồn vốn triển khai các dự án" - ông Lương Minh Phúc đề xuất.
Theo nhà đầu tư đoạn 3 dự án đường Vành đai 2, nếu mọi vướng mắc được giải quyết thì đoạn này sẽ hoàn thành sau 18 tháng thi công trở lại.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: