Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT), nguồn vốn cho dự án tăng lên khá nhiều, hiện chưa được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của TPHCM giai đoạn 2021-2025.
Dự án chiến lược, phát triển kinh tế liên vùng
Các cơ quan chức năng và lãnh đạo 2 địa phương TPHCM và tỉnh Tây Ninh đều xác định, đầu tư xây dựng tuyến cao tốc nói trên là hết sức cấp bách nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đi lại từ các trung tâm kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các cảng biển, kết nối với cả khu vực ASEAN.
Toàn tuyến có chiều dài 50km, trong đó đi qua TPHCM hơn 26km (8 làn xe), đoạn đi qua tỉnh Tây Ninh hơn 23km (6 làn xe). Do đó tìm kiếm, cân đối nguồn ngân sách để đẩy nhanh dự án đang rất cấp thiết.
Mới đây Sở KH-ĐT đã có báo cáo gửi UBND TPHCM về phương thức đầu tư cũng như một số kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo tính toán, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 15.900 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí xây dựng 5.417 tỷ đồng; chi phí quản lý, tư vấn, lãi vay… 1.836 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư 7.433 tỷ đồng (TPHCM là 5.901 tỷ đồng, tỉnh Tây Ninh 1.532 tỷ đồng); chi phí dự phòng 1.214 tỷ đồng, Sở KH-ĐT kiến nghị giai đoạn 1 của dự án theo phương thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT). Trong đó, Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, GPMB từ nguồn ngân sách của 2 địa phương. Phần còn lại từ vốn huy động nhà đầu tư, chi phí này nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT.
Về công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư, TPHCM thống nhất với UBND tỉnh Tây Ninh báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân chia 2 dự án thành phần bồi thường, GPMB, hỗ trợ, tái định cư qua địa phận từng địa phương. Ngoài ra, trong quá trình trình hội đồng thẩm định liên ngành, UBND TP sẽ chỉ đạo Sở KH-ĐT và các sở, ngành phối hợp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối phần vốn ngân sách TP tham gia dự án theo quy định.
Theo kế hoạch, dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ khởi công vào năm 2023 và hoàn thành năm 2025. Hiện nay, Tây Ninh đang đợi TPHCM trình HĐND cho lập đề xuất chủ trương đầu tư. Sau khi HĐND TPHCM thông qua, 2 địa phương sẽ tiến hành các thủ tục tiếp theo với mục đích khởi công dự án đúng kế hoạch.
Theo thông tin từ Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) tỉnh Tây Ninh, toàn bộ chi phí bồi thường sẽ do ngân sách từng địa phương chi trả. Hiện ngân sách bồi thường GPMB rất lớn, song vì mục tiêu chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Tây Ninh và TPHCM sẽ cùng cố gắng cân đối nguồn ngân sách.
Theo Sở GTVT TPHCM, hiện nay Sở KH-ĐT TP đang làm kế hoạch, báo cáo UBND TP để chuẩn bị trình HĐND TP. Sau khi HĐND TP đồng thuận và thông qua sẽ tiến hành các bước thủ tục tiếp theo. Sở GTVT TPHCM cho biết thêm trong dự án này dự kiến phần xây lắp BOT là hoàn vốn. Phần GPMB sẽ được các địa phương cân đối nguồn vốn, thẩm định, sau đó lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và trình chủ trương đầu tư.
Bổ sung dự án ưu tiên, bố trí nguồn vốn
Hiện Sở KH-ĐT đã kiến nghị UBND TP báo cáo HĐND TP về tính cấp bách của dự án. Theo đó, dự án được đầu tư để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, giảm tải cho Quốc lộ 22. Tuyến giao thông cao tốc Xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực kinh tế ASEAN.
Phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư xây dựng trong khu vực, góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh đó, cao tốc TPHCM - Mộc Bài sẽ phát triển hạ tầng giao thông, tạo điều kiện khai thác quỹ đất phát triển đô thị dọc tuyến và các khu dịch vụ, công nghiệp phù hợp, hiệu quả.
Mới đây tại cuộc họp trực tuyến của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể với các địa phương phía Nam về việc triển khai một số dự án phía Nam, bộ trưởng đề nghị UBND TPHCM và tỉnh Tây Ninh phối hợp, hoàn thiện thủ tục để trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài trong tháng 8-2021.
Theo UBND TPHCM, dự kiến nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, và nguồn vốn ngân sách TP theo thông báo của Thủ tướng Chính phủ là 127.683,9 tỷ đồng và chỉ cân đối cho các dự án đang thực hiện. Trong đó bao gồm các dự án chuyển tiếp và dự án khởi công mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, các dự án có sử dụng ngân sách trung ương, các dự án chuẩn bị đầu tư đã bố trí vốn trong năm 2021. Do đó, dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài chưa được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Do vậy TPHCM kiến nghị điều chỉnh mức vốn dự kiến của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các nguồn vốn đầu tư TP, có thể huy động tăng thêm hơn 119.410 tỷ đồng. Theo Sở KH-ĐT, trong trường hợp Quốc hội đồng ý việc tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 của TP, Sở GTVT cần rà soát, xác định lại thứ tự ưu tiên của các dự án thuộc lĩnh vực GTVT.
Trong đó, dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài phải được xếp ưu tiên cao để đảm bảo nguồn vốn, khả năng cân đối vốn thực hiện dự án từ nguồn vốn TP có thể huy động tăng thêm, làm cơ sở báo cáo HĐND TP xem xét, quyết định.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: