Ảnh minh hoạ
Trong đó, hàng loạt đơn vị đã có phương án thu hút vốn giá rẻ bằng cách sử dụng cổ phiếu để làm đảm bảo cho kênh huy động tiền qua trái phiếu.
Điều đáng nói, việc đảm bảo thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu bằng cổ phiếu tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi khi vi phạm xảy ra, nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, thì lúc đó cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo cũng sụt giảm nghiêm trọng.
Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp do Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty CP chứng khoán SSI (SSI Research) công bố, trong quý 2/2021, trái phiếu bất động sản đạt mức 64,4 nghìn tỉ đồng, tăng 131% so với quý 1/2021 và tăng 285% so với quý 2/2020. Lãi suất bình quân các trái phiếu bất động sản trong quý 2/2021 là 10,3%/năm.
Báo cáo của SSI Research cũng cho thấy, đa phần các doanh nghiệp BĐS khi phát hành trái phiếu đang lấy chính cổ phiếu được niêm yết trên sàn làm tài sản bảo đảm.
Các đơn vị phát hành nhiều nhất trong quý vừa qua là Vingroup, Golden Hill, BIM, Hưng Thịnh Quy Nhơn, Hưng Thịnh Land, CTCP BĐS Wonderland...
Cụ thể, cuối tháng 6 vừa qua, Hưng Thịnh Land đã phát hành thành công 2 lô trái phiếu với tổng giá trị 950 tỉ đồng.
Lô trái phiếu nói trên được bảo đảm bằng cổ phần của Hưng Thịnh Land và bất động sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai liên quan hoặc phát sinh từ dự án Khu Hồ Tràm, dự án Khu Phước Long B…
Hay Novaland với khoảng 10.000 tỉ đồng huy động được đảm bảo bằng giá trị cổ phiếu NVL.
Bộ Xây dựng trong báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2021 đã dẫn số liệu từ báo cáo của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, cho thấy trong nhóm trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước, nhóm ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 18.485 tỉ đồng, nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trị thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 4.950 tỉ đồng.
Nổi bật là đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng trong nước với tổng giá trị 500 tỉ đồng của Công ty cổ phần Glexhomes; đợt phát hành ra công chúng giá trị 1.500 tỉ đồng của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC).
Ngoài ra, trong quý có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD) và trái phiếu xanh của Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu USD).
Trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng có 26% trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần, cổ phiếu.
Lãi suất phát hành trái phiếu bất động sản chủ yếu dao động trong khoảng 9,5-11%/năm. Riêng lãi suất trái phiếu mà các ngân hàng phát hành thấp hơn và có sự phân hóa, dao động từ 3-7,5%.
Có thể thấy vào cuối quý 2/2021, trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp phát hành tăng cao, trong đó nhóm ngành bất động sản thể hiện nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu lớn.
Tuy nhiên, Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.
Đặc biệt cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ; doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo.
Nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu, trong đó có việc xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Nhà đầu tư nên thận trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao, vì rủi ro tiềm ẩn lớn khi thị trường bất động sản có biến động tiêu cực.
Theo TS. Cấn Văn Lực, trái phiếu là một kênh đầu tư của cả cá nhân và tổ chức với mức lãi suất tương đối hấp dẫn, nhất là khi ngân hàng đang thắt chặt tín dụng vào bất động sản và trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tạo ra những khó khăn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong quy luật kinh tế, lợi nhuận cao thường gắn với rủi ro cao. Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu không hẳn là do không vay được vốn ngân hàng, mà có thể là đó tính toán về cơ cấu nguồn vốn. Tức là họ có thể vay một phần và phát hành trái phiếu một phần để huy động vốn lâu dài.
Do đó, ông Lực cho rằng, cần phải hiểu rõ, nắm bắt các thông tin doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất động sản cũng như về giao dịch phát hành đó, nhất là các điều kiện về lãi suất, về tài sản đảm bảo, về thanh toán gốc và lãi, điều kiện chuyển nhượng, tính minh bạch.
Về việc dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nhiều nhà đầu tư tin rằng có thể yên tâm về sự bảo đảm đối với cổ phiếu của doanh nghiệp có uy tín, có giá trị trên thị trường. Bởi nếu nhà phát hành không trả được nợ cho họ, thì họ sẽ bán cổ phiếu lấy lại tiền.
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng trường hợp này khó xảy ra. Bởi khi nhà phát hành mất thanh khoản thì ngoài thị trường chứng khoán giá cổ phiếu cũng sẽ giảm rất mạnh. Trong trường hợp có cầm cổ phiếu thì họ cũng không lấy lại được tiền.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: