Hiện nay, thị trường bất động sản (BĐS) xuất hiện hình thức kinh doanh "bình mới rượu cũ”, đó là một vài cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, với số vốn chỉ vài tỷ đồng, họ tìm kiếm các khu đất 1.000 - 2.000m2 trong các khu vực quy hoạch dân cư, sau đó phân lô khoảng 40 - 50m2, xây nhà bán lại cho người dân có thu nhập trung bình, thấp với giá từ 300 - 400 triệu đồng/sản phẩm (nhà liền thổ).
Về cơ bản, những khu này được cấp phép xây dựng, được cấp sổ đỏ (chưa tính các trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp), tập trung chủ yếu ở Q.12, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn...
Những khu nhà này dù có khá hơn trước đây về đường sá, cấp thoát nước nhưng chắc chắn sẽ không thể sánh với một dự án có quy mô lớn được doanh nghiệp thiết kế, đầu tư hoàn chỉnh.
Tình trạng phân lô lẻ mẻ này thậm chí ở nhiều khu vực còn lách theo kiểu xây một căn nhà trên diện tích 40m2, sau đó tách đôi, bán cho hai khách hàng khác nhau (cùng đứng chung sổ đỏ) và dựng nên tranh chấp để nhờ pháp luật can thiệp, nhằm được tách quyền sở hữu một cách hợp pháp.
Còn nhớ thời điểm năm 2002, tình trạng phân lô hộ lẻ này đã trở thành một xu hướng tại TP.HCM nhưng đến năm 2008, Thành phố chấn chỉnh đô thị, không cho phép phân lô bán nền tràn lan.
Sau đó, năm 2013 với Nghị định 11 về quản lý đầu tư, phát triển đô thị và đầu năm 2014 là thông tư liên Bộ (Bộ Xây dựng và Bộ Nội Vụ) cho phép trong các khu đô thị được phép phân lô bán nền nhưng với điều kiện phải quy hoạch, có hạ tầng đấu nối hoàn chỉnh.
Ở thời điểm này, HoREA cũng có kiến nghị, đối với các khu đô thị, dự án ở vùng ven nên cho phép người dân xây nhà theo khả năng tài chính trong 1 thời hạn nhất định từ 3 - 5 năm.
Xét về mặt quy hoạch, hiện tượng phân lô hộ lẻ làm gia tăng tình trạng mở rộng đô thị theo kiểu "vết dầu loang", không phù hợp định hướng phát triển đô thị theo quy hoạch và theo dự án, cho nên, cần được thành phố định hướng lại và có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Dĩ nhiên, xét về nhu cầu người tiêu dùng đối với các sản phẩm nhà liền thổ 40 hay 50m2 là có nhưng như thế sẽ làm cho bộ mặt đô thị khó hiện đại được. Việc phát triển nhà ở theo kiểu "vết dầu loang" thì không nhà nước nào có thể cung ứng nổi hạ tầng đô thị.
Muốn phát triển một đô thị hiện đại phải đưa lên tầng cao, từ đó mới có khu dân cư tập trung để phát triển các tuyến giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt... hay những công trình như trường học, bệnh viện.
LÊ HOÀNG CHÂU - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: