Nhiều khu đô thị để cỏ mọc hoang trong khi nông dân thiếu đất sản xuất
Khi đề cập đến vấn đề giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nói: “Cho tới thời điểm hợp nhất (Hà Nội và Hà Tây ngày 1/8/2008), sau khi rà soát lại, diện tích đất dịch vụ phải trả cho dân trên toàn thành phố lên tới gần 1.000 ha. Đây là một con số khủng khiếp...”.
Không rõ vị ông Khanh dùng từ “khủng khiếp” với hàm ý nào, kiểu như là diện tích quá lớn, khó thực hiện hay là cơ chế chính sách chưa kín kẽ… Tuy nhiên, nếu xét trên góc độ nào thì một vị lãnh đạo thành phố thốt lên như vậy cũng là không thỏa đáng.
Bởi so với một Thủ đô vừa được mở rộng với hàng ngàn dự án lấy đất nông nghiệp đã và đang triển khai thì 1.000 ha đó quả là không thấm vào đâu. Ở khu vực Hà Tây cũ, trước ngày hợp nhất đã có một phong trào ôm đất lập dự án, có rất nhiều dự án đô thị, nhà ở, sân golf mà mỗi dự án quy mô chiếm đất cũng lên tới cả ngàn ha. Hậu quả nhãn tiền của tình trạng đó là người nông dân mất tư liệu sản xuất, thất nghiệp và không ít dự án cho đến tận bây giờ vẫn để cỏ mọc.
Thêm nữa, một chủ dự án chỉ với một nhóm người thậm chí một người cũng dễ dàng “xin” được hàng chục, hàng trăm ha đất trong khi 1.000 ha đất dịch vụ phải “chia” cho hàng chục ngàn hộ nông dân. Những chủ dự án xin đất để tìm kiếm thêm lợi nhuận trong khi đó hàng vạn hộ dân chỉ có thửa ruộng cày cấy thì nay đã bị mất.
Trớ trêu là, những dự án quy mô lớn thì đều được triển khai nhanh chóng còn những dự án đất dịch vụ lẽ ra phải có để đảm bảo cuộc sống bởi nó gắn với bát cơm manh áo hàng ngày của người dân lại chỉ được thực hiện với tiến độ quá chậm trễ, ì ạch.
Trả đất dịch vụ cho dân là thực hiện một phần sự công bằng xã hội. Chính quyền phải coi đây là nhiệm vụ phải làm và thật không đúng khi nhận thức rằng thực hiện việc đó là gánh nặng của mình.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: