Ảnh minh họa: NoiThatXhome.vn
Lâu nay khi nói đến BĐS thì hầu hết trong chúng ta đều nghĩ ngay đến đất nền dự án, dự án căn hộ, nhà phố, nhà cho thuê... Tuy nhiên, BĐS không hẳn chỉ dừng lại ở những phân khúc nêu trên. Cả một “thế giới” mênh mông với vô số các cơ hội trong ngành BĐS mà các nhà kinh doanh và môi giới BĐS chưa tận dụng hết .
Như chúng ta đã biết, trong những năm qua các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Con số trên 50 nghìn doanh nghiệp “chết” trong năm 2012 và hơn 50 nghìn doanh nghiệp đã “ra đi” trong năm 2011 thật đáng cho chúng ta quan tâm.
Ở đây chúng ta không đi sâu vào tìm hiểu hay phân tích nguyên nhân của các doanh nghiệp đóng cửa hoặc đã phá sản mà chúng ta chỉ đề cập đến việc những doanh nghiệp đang gặp khó khăn và trên bờ vực phá sản hoặc sắp giải thể có nhu cầu muốn bán. Thật sự không dễ dàng để tìm được một công ty môi giới BĐS doanh nghiệp có đủ tầm và khả năng để giải quyết nhu cầu chính đáng này, hầu giúp các chủ doanh nghiệp có thể thu hồi được phần nào vốn liếng đã bỏ ra, giải quyết được việc trả nợ ngân hàng, giảm thiểu những mất mát và có thể giúp doanh nghiệp tiếp tục kéo dài hoạt động .
Bất động sản thương mại (Commercial Real State) là gì?
Trong hoạt động môi giới BĐS có rất nhiều phân khúc. Tuy nhiên, có hai mảng chính trong môi giới BĐS được tách biệt rõ ràng :
- Bất động sản nhà ở (Residential Real Estate)
- Bất động sản thương mại (Commercial Real Estate )
Ở đây chúng ta không đề cập đến BĐS nhà ở như: Đất nền, nhà phố, căn hộ... Vì đa số những công ty môi giới tại Việt Nam hiện nay đang triển khai phân khúc này. Chúng ta chỉ tìm hiểu xem BĐS thương mại là gì? Hoạt động của phân khúc này ra sao?
BĐS doanh nghiệp được chia ra làm 3 cấp độ
1. Công nghiệp nặng – Heavy Industry
Là ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, có tác động đến môi trường và chi phí đầu tư. Công nghiệp nặng có thể được hiểu là ngành mà sản phẩm dùng để cung cấp cho các ngành công nghiệp khác. Ví dụ, đầu ra của các xưởng thép, nhà máy hóa chất là đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng, dịch vụ hoặc bán buôn.
Những ngành nghề tiêu biểu của công nghiệp nặng như: Đóng tàu, hầm mỏ, viễn thông, dầu khí, truyền tải điện, kỹ nghệ xe hơi... Công nghiệp nặng thường được xác định bởi các chính phủ và các nhà hoạch định chính sách trên cơ sở tác động đến môi trường. Ngành công nghiệp nặng nhấn mạnh quy mô ban đầu tránh ảnh hưởng đến sinh thái bởi đặc thù của nguồn tài nguyên sử dụng, quá trình sản xuất và sản phẩm được tạo thành.
2. Công nghiệp nhẹ - Light Industry
Là ngành công nghiệp thiên về cung cấp hàng hóa tiêu dùng hơn là phục vụ các doanh nghiệp (có nghĩa là sản phẩm được sản xuất cho người tiêu dùng hơn là sản xuất để làm đầu vào cho một quá trình sản xuất khác). Các cơ sở công nghiệp nhẹ thường ít gây tác động môi trường hơn công nghiệp nặng và vì thế chúng có thể được bố trí gần khu dân cư, những khu công nghiệp, khu chế xuất... Ngành công nghiệp nhẹ lại rất cần nhiều lao động làm việc trong một không gian rộng lớn và chiếm phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh này tại Việt Nam hiện nay.
Công nghiệp nhẹ, là phân khúc quan trọng và là đối tượng chính cho những nhà môi giới BĐS doanh nghiệp khai thác. Công nghiệp nhẹ là ngành công nghiệp bao gồm các nhà máy có qui mô nhỏ như nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, đông lạnh, may công nghiệp, đóng giày…
3. Các thương mại bán lẻ - Retail Businesses
Đây là một phân khúc cực kỳ sôi động, đa dạng và hoạt động khá “ồn ào” tại các thành phố lớn Việt Nam. Là những cửa hàng bán lẻ, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng thức ăn nhanh, tiệm thuốc tây, cafe sân vườn, cafe wifi, tiệm quần áo thời trang và vô số các lĩnh vực bán lẻ khác. Hầu hết, các doanh nghiệp bán lẻ khi có nhu cầu sang nhượng, mua bán đều phải “tự xử” bằng cách đăng trên các kênh thông tin quảng cáo. Vừa mất thời gian vừa khó bán vì họ không phải là những chuyên viên chuyên nghiệp.
Hoạt động môi giới BĐS doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay ra sao?
Ngoại trừ công nghiệp nặng chúng ta không đề cập đến vì đây là lĩnh vực tương đối hẹp và thường thuộc quyền quản lý từ các Bộ ngành Chính phủ. Chúng ta chỉ đề cập đến hai cấp độ còn lại của BĐS thương mại dành cho ngành công nghiệp nhẹ và doanh nghiệp bán lẻ.
Hoạt động môi giới BĐS thương mại hiện nay tại Việt Nam. Như đã trình bày, là một phân khúc gần như bị các nhà môi giới “bỏ quên”. Hàng loạt các công ty môi giới BĐS ra đời trong giai đoạn thị trường “nóng sốt“ vào các năm trước đây, hầu hết chỉ tập trung vào BĐS nhà ở là chính. Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS thương mại không nhiều và không chuyên nghiệp vì những lý do sau:
- Không quan tâm đến phân khúc này
- Chưa nhận thấy được tiềm năng và cơ hội phát triển của phân khúc BĐS thương mại
- Chưa có trường đào tạo chuyên ngành đúng nghĩa cho nhà môi giới BĐS thương mại
- Không có nhiều chuyên viên chuyên trách BĐS thương mại
Trong bối cảnh kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn như hiện nay cần những công ty môi giới BĐS thương mại đúng nghĩa, với cách làm việc bài bản, chuyên nghiệp. Đây là yếu tố cần thiết để làm đa dạng hóa hoạt động của ngành công nghiệp BĐS tại Việt Nam phát triển. Và quan trọng hơn là giúp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn có cơ hội mua bán, sang nhượng. Làm cầu nối cho các nhà đầu tư triển vọng trong và ngoài nước có nhu cầu. Đó chính là một thị trường ngách mà các nhà môi giới cần hướng đến.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: