Quá tải hạ tầng khiến ùn tắc thường xuyên tại khu vực Ngã Tư Sở Ảnh: Như Ý
Đại diện Sở Quy hoạch & Kiến trúc (QH&KT) Hà Nội cho hay, 6 quy hoạch này đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua để UBND thành phố chính thức phê duyệt, ban hành trong tháng 3/2021.
Quy hoạch xác định: Khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía nam sông Hồng đến đường vành đai 2, là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành cổ… Điều chỉnh các chức năng sử dụng đất, di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp ra bên ngoài.
Bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cải tạo chỉnh trang kiến trúc đô thị, cảnh quan, tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường sống. Hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người.
Quy hoạch được phê duyệt dự kiến sẽ tháo được những "điểm nghẽn" bao năm qua, gây nhiều bức xúc xã hội.
Ô nhiễm, ùn tắc bủa vây
Nhiều năm qua, người dân Thủ đô phải sống trong cảnh tắc đường do mật độ dân cư, phương tiện tăng lên từng ngày. Chưa kể những nhà máy, cơ sở sản xuất trong đề án di dời vẫn liên tục “xả khói” khiến Hà Nội liên tục lọt “top” những thành phố ô nhiễm trên thế giới.
Vụ cháy kho hóa chất Đức Giang tại quận Long Biên, hay vụ cháy nổ tại Cty CP Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông vào năm 2019 là những dẫn chứng cụ thể về rủi ro rình rập nếu những nhà máy gây ô nhiễm không sớm được di dời khỏi các khu đông dân cư.
Cùng trục đường Nguyễn Trãi với Cty CP Bóng đèn - Phích nước Rạng Đông là nhà máy Cty Thuốc lá Thăng Long đã được duyệt chủ trương di dời từ 9 năm trước. Nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa được di dời bởi lý do chưa có ngân sách.
Tại khu vực trung tâm quận Đống Đa, khu đất sản xuất của Cty Cổ phần xây lắp và Cơ khí cầu đường (số 460 Trần Quý Cáp) cho một số doanh nghiệp thuê lại. Theo ông Bùi Tuấn Vượng - Tổ phó tổ dân phố số 13, các đơn vị sản xuất, giấy và in ấn thuê tại số 460 Trần Quý Cáp nhiều năm nay gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Hiện người dân sống tiếp giáp khu vực này hàng ngày không dám mở cửa do mùi sơn, hóa chất bay ra từ các xưởng in.
Một vấn đề nan giải của Hà Nội là tốc độ tăng dân số cơ học quá lớn. Tại buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với Quận ủy Đống Đa mới đây, ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở QH&KT nêu thực tế địa bàn quận đang gia tăng dân số cơ học. Quy hoạch tại quận Đống Đa chỉ có 260.000 dân, nhưng số dân thực tế hiện nay lên tới 370.000, tức là phải giảm 100.000 dân so với quy hoạch hiện có, đây là vấn đề phải đặt ra.
Bên cạnh đó, quận có tới 20 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn và nhiều cơ quan lớn, đây là thách thức về quá tải hạ tầng. Ngoài ra, trên địa bàn quận hiện có 14 khu đất của các cơ sở sản xuất thuộc diện gây ô nhiễm cần di dời. “Cả 14 khu đất thuộc các cơ sở gây ô nhiễm sau khi di dời phải rà soát lại, giữ lại quỹ đất để dùng cho thiết chế công, việc này phải rất cứng rắn mới làm được”, ông Trúc Anh nói.
Nhiều năm qua, khu vực nội đô gồm 4 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng phải chịu rất nhiều sức ép do đô thị hóa. Dân số tăng nhanh, tắc đường, ô nhiễm… tạo ra một đô thị bức bối. Dự kiến dân số quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 trong khu vực 4 quận nội thành này giảm còn 672.000 người (hiện là hơn 887.000 người). |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: