Căn biệt thự này chỉ được đền bù hơn 1 tỷ đồng. Ảnh: Phong Cầm
Phản ánh của người dân ở ba tổ 47B, 47C, 47D cho thấy, khu vực này có tới hơn ngàn người dân sinh sống hợp pháp từ năm 1990 đến nay. Bà Hoàng Thị Mai Phương (số 81, ngõ 1, tổ 47B) cho biết, ngoài việc “nắn” quy hoạch, điều mà người dân bức xúc nhất là việc bồi thường giá trị quyền sử dụng đất quá rẻ mạt, chỉ bằng 10% so với giá thị trường. Theo đó, nhà chị có diện tích 53,4m2, 4 tầng, diện tích sử dụng hơn 200m2, được áp giá là 1,4 tỷ đồng. Theo chị Phương, người có trách nhiệm chỉ đến thông báo như thế rồi bảo đến nhận tiền và đi tạm cư tại nhà A1, A2 (thuộc phường Phú Thượng) nhưng gia đình chưa đồng ý.
Theo nhiều người dân, đáng lẽ việc bồi thường phải thông báo công khai, minh bạch cho mọi người dân được biết thì đằng này, cán bộ giải phóng mặt bằng (GPMB) lại lén lút đến từng nhà một thông báo. Bà Trần Thị Phương (18A, ngõ 1, Tổ 47D) cũng cho biết, đêm họ đến nhét giấy thông báo vào nhà rồi về báo cáo là đã thông báo với gia đình.
Không chỉ bồi thường theo kiểu “đi đêm” mà giá bồi thường cũng áp đặt không tuân theo quy định nào và rất vô lý. Theo khung giá đền bù mà Ban bồi thường GPMB quận Tây Hồ niêm yết, các hộ dân tại cụm 7 chỉ được nhận 17,5 triệu đồng/m2 đất. Mặc dù đơn giá này đã được điều chỉnh tăng thêm 1,5 lần theo Quyết định điều chỉnh số 1868/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội song theo nhiều người dân, việc điều chỉnh 1,5 lần cũng chỉ mới làm cho giá trị quyền sử dụng đất của dân bằng 10% giá thị trường.
“Năm 2004, tôi mua 70 m2 đất tại đây với giá 160 cây vàng. Đầu tư thêm bao công sức và tiền của mới xây được căn nhà 5 tầng để ba thế hệ cùng sinh sống. Với đơn giá bồi thường tù mù như vậy, nếu phải di dời, chúng tôi sẽ sống ra sao” - bà Lê Thị Thanh Tâm, cho hay.
Trong khi nhà chị Hoàng Thị Mai Phương 53,4m2, 4 tầng, diện tích sử dụng hơn 200m2 được thông báo giá đền bù 1,4 tỷ đồng, nhiều nhà khác có diện tích lớn hoặc thấp hơn lại nhận mức đền bù thấp hơn. Ví dụ, nhà ông Bình, diện tích 60m2, cao 5 tầng, diện tích sử dụng 300m2 lại chỉ được đền bù 850 triệu đồng; hay nhà ông Nông Văn Pửu 52m2, cao 4 tầng, diện tích sử dụng hơn 200m2 cũng chỉ được đền bù 801 triệu đồng.
“Rõ ràng, nếu so sánh, mức đến bù như thế là quá phi lý” - bà Lê Thị Thanh Tâm - Chi hội trưởng phụ nữ cụm 7 khẳng định.
Tại cụm 7, nhà của các hộ dân chủ yếu cao từ 4-5 tầng, diện tích sử dụng hàng trăm m2, đường ô tô vào đến cửa nhưng không hiểu Ban bồi thường GPMB quận Tây Hồ căn cứ vào đâu để đưa ra mức giá hơn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, phản ánh với phóng viên, nhiều người dân cho hay nếu so với giá thị trường cuối năm 2010 tại khu vực này là 150 triệu đồng/m2, số tiền chênh lệch lên tới hàng tỷ đồng.
Trong một trả lời mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng quá trình thực hiện dự án cầu Nhật Tân, việc bồi thường, GPMB đã được tách thành dự án riêng và giao cho UBND TP. Hà Nội thực hiện. Đơn giá đền bù, GPMB và tái định cư do TP. Hà Nội áp theo quy định hiện hành. Còn Ban bồi thường GPMB quận Tây Hồ trong văn bản trả lời các hộ dân thì cho rằng, căn cứ kiến nghị của các hộ dân, ngày 18/11/2010, UBND quận Tây Hồ đã có văn bản đề nghị điều chỉnh đơn giá bồi thường, hỗ trợ đất ở tăng 1,8 lần so với đơn giá quy định.
Tuy nhiên, ngày 26/11/2010, UBND thành phố có văn bản số 9636 yêu cầu UBND quận Tây Hồ thực hiện theo đơn giá UBND thành phố đã điều chỉnh tại quyết định 1868 ngày 22/4/2010 (điều chỉnh 1,5 lần). Vì thế, việc kiến nghị điều chỉnh đơn giá lớn hơn 1,5 lần của dân là không thực hiện được.
Nhiều người dân cho rằng, về mặt pháp lý, nếu thu hồi nhà - đất của dân, nhà nước phải bồi thường sát với giá thị trường; tái định cư - nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ… Tuy nhiên, nếu chiểu theo kiểu bồi thường ở dự án cầu Nhật Tân hiện nay, rõ ràng là không minh bạch.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: