Nhà ở xã hội có sẵn nhu cầu lớn
Nặng gánh…
Báo cáo trước Ủy ban, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, thị trường BĐS tiếp tục gặp khó khăn, giá sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Số lượng các giao dịch không nhiều, tại một số dự án còn không có giao dịch. Đặc biệt, tại TP. HCM, thị trường BĐS đóng băng đã gần 5 năm (từ năm 2008 đến nay) nên các doanh nghiệp BĐS hết sức khó khăn.
Bộ trưởng Dũng cho biết, với chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát và nhiều giải pháp đang thực hiện, giá nhà đất đã giảm rất nhiều. Cụ thể, nhà biệt thự, liền kề tại nhiều dự án đã giảm đến 50 - 60%, căn hộ giảm từ 15 - 30%. Việc giảm nhiều hay ít phụ thuộc vào sức khỏe của mỗi doanh nghiệp. Song, do thị trường mất thanh khoản, nên dù giảm giá, việc bán hàng vẫn khó khăn, khiến lượng hàng tồn kho vẫn tăng.
Theo báo cáo tổng hợp chưa đầy đủ của 50 địa phương, hiện thị trường tồn kho 42.230 nhà ở (gồm căn hộ và nhà thấp tầng); 92.800 m2 sàn văn phòng cho thuê, 98.407 m2 sàn trung tâm thương mại, xấp xỉ 792,2 héc-ta đất nền nhà ở và diện tích đất thương mại khác là hơn 195,1 héc-ta. Giá trị tổng lượng vốn tồn kho hiện khoảng 111.963 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ trưởng Dũng, số liệu hàng tồn kho trên đây chỉ là một phần thị trường, bởi thực tế có thể lớn hơn nhiều. Cụ thể, tại những dự án mới có giao dịch một phần, dự án chưa xong, doanh nghiệp vẫn tiếp tục bán hàng thì chưa có số liệu thống kê. Trong khi những dự án như thế này hiện có rất nhiều, vì thế, nợ xấu tại các dự án này lại thuộc về người mua.
… và lối ra từ nhà ở xã hội
Do thị trường BĐS hiện đã rất khó khăn nên để gỡ khó cho thị trường, Bộ trưởng Dũng cho rằng, cần phải có giải pháp mạnh. Tại những nước phát triển, chính phủ các nước có thể chi tiền mua cả nợ xấu để cứu thị trường. Thế nhưng, Việt Nam còn khó khăn nên cần phải có các giải pháp phù hợp. Theo đó, các giải pháp được Bộ Xây dựng đưa ra tập trung vào phân khúc nhà ở. Trong phân khúc nhà ở, lại tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, khu vực có nhu cầu cao nhất.
Trình bày hướng phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Dũng cho biết, sắp tới, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, tiến hành phân loại các dự án. Đồng thời, sẽ dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc đang giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương. Đối với các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn sẽ cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân. Đối với các dự án nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở, doanh nghiệp sẽ được phép cơ cấu lại, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động.
Việc tập trung vào phát triển nhà ở xã hội, theo Bộ Xây dựng, có thể giải quyết được nhiều mục tiêu. Cụ thể, nó vừa thực hiện chiến lược phát triển nhà ở, nghĩa là giải quyết được vấn đề chỗ ở cho phần đông người có thu nhập thấp, có nhu cầu thực sự về nhà ở, vừa gỡ khó cho thị trường BĐS, gỡ khó cho các tổ chức tín dụng. Qua đó, gỡ khó cho nhiều lĩnh vực sản xuất khác và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình: Hiện nay, các Ngân hàng vẫn cho vay mua nhà dựa trên cơ sở lãi suất cho vay thương mại. Thế nhưng sắp tới, NHNN sẽ có chỉ đạo các NHTM dành lượng vốn nhất định cho vay BĐS với lãi suất thấp hơn. Đặc biệt, trong năm 2013, NHNN sẽ đưa ra gói cho vay mua nhà ở xã hội, đồng thời chỉ đạo các NHTM cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi hơn lãi suất cho vay thương mại. TS. Trần Du Lịch: Năm 2009, để tháo gỡ khó khăn cho xây dựng cơ bản, chúng ta phải tháo gỡ, điều chỉnh một loạt Luật. Hiện thị trường BĐS gặp khó khăn, đang cần tháo gỡ, nhưng nhiều điều luật hiện nay đang làm vướng việc gỡ khó cho BĐS. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: