Đang thu hồi nhiều đất dự án
Báo cáo kết quả thực hiện trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết hiện Bộ đang nỗ lực thực hiện thu hồi đất dự án của nhiều tổ chức vi phạm, lãng phí.
Tổng hợp số liệu báo cáo của 63 tỉnh thành, báo cáo cho hay, đến 30/6/2013 có 8.161 tổ chức vi phạm, sử dụng đất lãng phí với diện tích 128.033,131 ha.
Qua xử lý, đã thu hồi đất của 819 tổ chức với 38.771 ha, trong đó có 161 cơ quan nhà nước với 275 ha, đang tiếp tục xử lý 1.547 tổ chức với diện tích 22.654 ha.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng cho biết, đang lập hồ sơ thu hồi đất của 559 tổ chức với 27.095 ha, xử lý khác đối với 1.092 tổ chức với 16.516 ha.
Về kết quả xử lý tài chính, số tiền sử dụng đất đã thu nộp ngân sách 56,61 tỷ đồng, số tiền xử phạt vi phạm hành chính 3,97 tỷ đồng...
Còn rất nhiều dự án lãng phí đất hàng chục năm nay
Bên cạnh xử lý tình trạng vi phạm pháp luật của các tổ chức nhà nước giao đất, cho thuê đất, Bộ cũng đã đề xuất các quy định tạo hành lang pháp lý nhằm khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí, bỏ hoang đối với các dự án đầu tư. Từ đó sàng lọc ra các nhà đầu tư kém năng lực, xin giao đất, thuê đất để để thực hiện nhiều công trình, dự án ở nhiều địa phương khác nhau, dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, chủ đầu tư bao chiếm, giữ đất, bỏ hoang gây lãng phí.
Thẩm quyền thu hồi, giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng, theo Bộ trưởng cũng được phân cấp mạnh để khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tại các khu vực nhạy cảm, vùng biên giới mà không kiểm soát được, gây dư luận bức xúc.
Dân 'chê' sổ đỏ
Cũng trong phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân.
Theo báo cáo, đến ngày 30/9/2013, cả nước đã cấp được 38,9 triệu giấy chứng nhận với tổng diện tích 21,4 triệu ha, đạt 88,4% diện tích các loại đất cần cấp giấy chứng nhận.
Đến nay, có 39 tỉnh hoàn thành cơ bản (đạt trên 85% tổng diện tích các loại đất cần cấp giấy chứng nhận). Trong số các tỉnh đạt thấp có Yên Bái, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi mới đạt dưới 70% tổng diện tích.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhắc lại yêu cầu của Quốc hội là đến 31/12/2013 phải căn bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu trong phạm vi cả nước.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chính phủ cũng nhìn nhận công tác cấp phát giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều hạn chế. Việc còn khoảng 600.000 giấy chứng nhận đã ký nhưng người sử dụng đất chưa đến nhận được là minh chứng trong số này.
Cấp phát giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là đối tượng được hưởng không có giấy tờ hợp lệ, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai từ nhiều năm qua chưa được giải quyết.
Đầu tư kinh phí cho việc cấp giấy chứng nhận cũng được xem là một nguyên nhân của sự chậm trễ, khi ở nhiều tỉnh mới đáp ứng gần 30% nhu cầu. Thậm chí có 4 tỉnh trong hai năm qua không đầu tư kinh phí cho việc này, gồm: Điện Biên, Ninh Thuận, Quảng Nam, Sóc Trăng.
Đáng chú ý là nghị quyết của Quốc hội ra đời từ giữa năm 2012 song có tỉnh, theo đánh giá của Chính phủ là đến giữa năm 2013 mới thực sự vào cuộc.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: