Phóng viên: Thưa ông, dự án này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của hàng ngàn hộ dân, vậy quận 6 đã có những công tác chuẩn bị như thế nào?
- Ông Trần Hữu Trí: Dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm (dự án thành phần số 4 của dự án nâng cấp đô thị) đi qua 8 phường của quận 6, dự toán kinh phí thực hiện là 1.700 tỉ đồng. Có 1.179 hộ dân bị giải tỏa, trong đó giải tỏa toàn bộ 726 trường hợp, giải tỏa một phần 453 trường hợp. Hiện nay, quận 6 đã tổ chức hiệp thương 1.178 trường hợp, 1 trường hợp chưa tổ chức hiệp thương và đang xin ý kiến của UBND TPHCM.
Về ý kiến của các hộ dân: Có 1.148 trường hợp đồng ý, còn 30 trường hợp đồng tình về chủ trương của TP nhưng chưa đồng ý một vài nội dung liên quan về bồi thường, hỗ trợ. Quận 6 đã ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ 1.175 trường hợp với tổng số tiền đã chi bồi thường là 1.272 tỉ đồng. Đã có 1.140 hộ dân bàn giao mặt bằng, trong đó giải tỏa toàn bộ là 696 hộ, giải tỏa một phần 444 hộ.
Đến nay, quận 6 đã bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP triển khai 9 gói thầu thi công trên địa bàn quận.
Hàng ngàn hộ dân đã đồng ý di dời để thực hiện dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Ảnh: SỸ ĐÔNG
Vì sao vẫn còn một số hộ dân chưa đồng ý di dời, thưa ông?
- Trường hợp thứ nhất là của một số hộ dân và doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước ở hai mặt bằng do Tổng Công ty Cơ khí Sài Gòn (SAMCO) quản lý (đã bàn giao cho quận 6). Trước đây, khi ký hợp đồng thuê đất với SAMCO, họ đã cam kết khi hết hạn hợp đồng phải tự tháo dỡ, di dời. Tuy nhiên đến nay, những hộ này lại yêu cầu bồi thường như những hộ dân khác nên quận không thể giải quyết. Dù vậy, quận 6 vẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho các trường hợp này.
Trường hợp thứ hai là những người ở ven kênh rạch thì căn cứ vào bảng kê khai năm 1999 mà đòi bồi thường. Khi kê khai thì họ kê khai toàn bộ mặt bằng của sàn nhà trên đất và trên phần kênh rạch lấn chiếm. Bồi thường cho toàn bộ diện tích trên là không phù hợp quy định. Ví dụ như trường hợp của bà Nguyễn Thị Đặng, giấy phép mua bán nhà do UBND quận 6 cấp là 28 m2, kê khai nhà năm 1999 là 71 m2, biên bản xác định ranh mốc đất năm 2000 để thực hiện đo bản đồ địa chính là 28,7 m2. Như vậy, bà Đặng chỉ được bồi thường là 28,7 m2, diện tích còn lại thì chỉ được hỗ trợ.
Vậy căn cứ vào đâu để quận bồi thường, hỗ trợ những hộ dân có đất lấn chiếm kênh rạch?
- Quận 6 căn cứ vào bản đồ địa chính năm 2001 để bồi thường khi thu hồi đất, đây là căn cứ pháp lý cao nhất. Bản đồ này thể hiện rất rõ phần đất và phần lấn chiếm kênh rạch của từng căn nhà. Khi đo vẽ, các đơn vị chức năng đã lập biên bản có chữ ký xác nhận của các hộ dân liền kề. Bảng kê khai năm 1999 chỉ là một tài liệu để tham khảo.
Riêng phần đất lấn kênh rạch sẽ được hỗ trợ 20% hoặc 30%, tùy theo quá trình lấn chiếm rạch. Còn phần kiến trúc thì được bồi thường 100% không phân biệt trên đất hay trên rạch. Quận 6 đã tổ chức rất nhiều cuộc tiếp xúc để giải thích các thắc mắc của người dân, riêng tôi đã có ít nhất 2 lần tiếp xúc với tất cả các hộ dân này.
Thưa ông, công tác tái định cư được quận 6 thực hiện như thế nào để ổn định cuộc sống của người dân sau khi bị thu hồi đất?
- Quận 6 được TP phân bổ một số nền đất và căn hộ chung cư tại khu tái định cư 30 ha ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh và một số căn hộ trên địa bàn quận 6 và quận Bình Tân để bố trí tái định cư cho các hộ dân thuộc dự án này. Về công tác bố trí tái định cư, có 182 trường hợp người dân có nhu cầu tái định cư do quận bố trí (132 hộ nhận nền, 50 hộ nhận căn hộ chung cư). Tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B đã hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, các hộ chọn nơi tái định cư này đã xây dựng nhà hoặc đã vào căn hộ chung cư đang dần ổn định cuộc sống.
Tạo điều kiện cho người dân vay vốn Nhiều người dân phản ánh họ gặp khó khăn khi đến nơi ở mới, có chính sách nào để hỗ trợ họ? - Ngoài việc bố trí tái định cư, người dân có nhu cầu vay vốn làm ăn, học nghề thì được hỗ trợ từ nguồn quỹ 156. Song song đó, quận 6 cũng đã làm việc với huyện Bình Chánh để hỗ trợ người dân được vay tiền từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Người dân có nhu cầu vay vốn đề nghị liên hệ UBND xã Vĩnh Lộc B để được giải quyết. Những hộ dân còn thắc mắc thì liên hệ với Văn phòng UBND quận 6, tôi sẽ trực tiếp giải quyết tất cả những vấn đề có liên quan. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: