BIDV lên kế hoạch lợi nhuận năm 2021 tăng 44%, chào bán 8,5% vốn
Ngày 12/3, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.
Theo tài liệu công bố trước thềm đại hội, năm 2021, BIDV đặt kế hoạch dư nợ tín dụng tăng trưởng 10-12%, đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức không quá 1,6%. Huy động vốn tăng trưởng phù hợp với sử dụng vốn, cân đối với tốc độ tăng trưởng tín dụng, dự kiến khoảng 12-15%.
Đáng chú ý, BIDV kỳ vọng lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 sẽ đạt 13.000 tỷ đồng, tăng tới 44% so với năm 2020. Tuy vậy, ngân hàng này cũng lưu ý rằng chỉ tiêu lợi nhuận trên phải đảm bảo phù hợp với diễn biến của thị trường, năng lực của BIDV trước tác động của dịch Covid-19 và điều chỉnh trên cơ sở phê duyệt kế hoạch tài chính của Ngân hàng Nhà nước.
HĐQT BIDV nhấn mạnh tới 8 giải pháp trọng tâm trong năm 2021. Một số trọng tâm quan trọng có thể kể đến như: triển khai Chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 tại tất cả các cấp trong toàn hệ thống; quán triệt quan điểm chuyển đổi số toàn diện mọi mặt hoạt động của hệ thống: tập trung nguồn lực để triển khai các giải pháp đột phá trên kênh ngân hàng số (định danh điện tử - eKYC, chuyển tiền và thanh toán đa kênh bù trừ điện tử - ACH, huy động vốn/vay vốn online…), hướng tới mục tiêu đạt 80% lượng khách hàng tiếp cận và sử dụng các kênh ngân hàng số của BIDV vào năm 2025.
Cùng với đó, chú trọng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, khuyến khích tín dụng trung dài hạn hiệu quả trong giới hạn phù hợp; tăng trưởng tín dụng ngắn hạn đối với khách hàng tốt, đem lại tổng hòa lợi ích cao; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, theo dõi chặt chẽ khả năng phục hồi của nhóm khách hàng khó khăn và đã được hỗ trợ theo các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý nợ xấu, thu hồi nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ ngoại bảng.
Bên cạnh đó, tập trung cơ cấu lại kỳ hạn của nền vốn theo hướng gia tăng tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn; đảm bảo cân đối vốn gắn với cải thiện nền vốn theo loại tiền.
Đặc biệt, HĐQT BIDV sẽ tập trung nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tài chính mới, phát hành trái phiếu tăng vốn BIDV, phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu thu nhập, gia tăng các nguồn thu đặc biệt là nguồn thu từ hoạt động phi lãi, đẩy mạnh triển khai quản trị chi phí hiệu quả.
Năm 2021, BIDV muốn tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6%. Phương án tăng vốn gồm phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III và quý IV/2021.
Đáng chú ý, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ. Thời gian dự kiến trong giai đoạn 2021-2022 sau khi được chấp thuận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tại đại hội tới, BIDV cũng trình chuyển đổi Chi nhánh Yangon thành ngân hàng con. Vốn điều lệ ngân hàng con sẽ là 100 triệu USD, tăng 15 triệu USD. Dự kiến ngân hàng con sẽ đem về lợi nhuận trước thuế hàng năm trung bình 1,5 triệu USD/năm.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: