Bong bóng bất động sản, Ảnh Minh họa
Không thể phủ nhận “niềm tin” là thứ có sức mạnh khá ghê gớm. Niềm tin là thứ dẫn dắt loài người, là mảnh đất để cho tôn giáo ngự trị trong xã hội, mất tiềm tin là mất tất cả.
Đối với bất động sản, trước đây người dân tin vào tương lai tươi sáng của nền kinh tế và sự tăng giá không ngừng của bất động sản nên đã không ngần ngại đầu tư vào thị trường này. Cảnh tranh giành, xếp hàng cả ngày cả đêm tranh “suất” mua nhà hay căn hộ với giá rất cao không có gì xa lạ. Niềm tin này mạnh đến nỗi ai cũng lao vào bất động sản với một niềm tin là có thể làm giàu từ đầu cơ nhà đất. Kết quả là có đến hơn 70% giao dịch nhà đất là do các nhà đầu tư thực hiện, giá nhà đất tại Việt Nam cao gấp 25-30 lần thu nhập bình quân đầu người/năm. Giá nhà đất Việt Nam cao ngang ngửa với quốc gia có thu nhập cao gấp hàng chục lần.
Cũng chính vì niềm tin mà hầu hết các doanh nghiệp ở các ngành nghề khác nhau cũng lao vào “cuộc chơi địa ốc”. Bất kỳ ai có “quan hệ” cũng tìm mọi cách lập dự án, xin cho được dự án để đầu tư căn hộ, cao ốc, khu đô thị vì tin rằng cứ đầu tư là lời. Thực tế thì từ năm 2007-2010 nhiều đại gia “tay không bắt giặc” giàu có một cách nhanh chóng nhờ địa ốc tăng giá. Lợi nhuận biên của các doanh nghiệp địa ốc trong khoảng thời gian này lên đến 50 đến 70%. Đây là một mức lợi nhuận vô cùng cao. Cũng chính vì niềm tin đất tăng giá không bao giờ ngừng mà đất đai trở thành một vấn đề nóng bỏng trong xã hội. Các vụ kiện cáo gây mất ổn định xã hội diễn ra liên miên.
Đối với các ngân hàng cũng chính vì niềm tin mà “mạnh tay” cho vay lĩnh vực địa ốc với hi vọng tìm kiếm siêu lợi nhuận. Ngoài ra, họ cũng tin rằng có nhà đất làm giá trị đảm bảo nên không sợ mất vốn. Bên cạnh đó, không ít ngân hàng được lập ra với “sứ mệnh” huy động vốn người dân để cho các doanh nghiệp sân sau đầu tư vào địa ốc để tìm kiếm siêu lợi nhuận. Kết quả hiện nay nợ xấu bất động sản lên mức rất cao, nhiều ngân hàng bên bờ vực phá sản.
Bên cạnh doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư thì niềm tin này cũng lan đến cả nhà nước. Thực vậy, cách đây không lâu Bộ Xây dựng cũng tin rằng bất động sản đã xuống đáy nên mạnh dạn đề nghị Chính phủ bỏ ra hàng chục nghìn để mua các căn hộ bị ế. Vì niềm tin vào tương lai tươi sáng của thị trường mà nhà nước đã không có những biện pháp phòng ngừa dẫn đến thực trạng thị trường bất động sản như hiện nay.
Điểm qua những ví dụ trên cho thấy niềm tin quả là rất “kỳ diệu”. Niềm tin đã dẫn dắt cả xã hội từ người dân, doanh nghiệp, ngân hàng đến cả nhà nước. Vậy phải chăng trong thời gian tới thị trường cũng sẽ phục hồi bằng niềm tin?
Các nhà kinh tế đều thống nhất quan điểm kinh tế học vừa là khoa học tự nhiên, vừa là khoa học xã hội. Tức là kinh tế bị tác động bởi quy luật xã hội nhưng đồng thời nó có tính quy luật của một một khoa học tự nhiên.
Quan điểm này cũng đúng khi áp dụng cho thị trường bất động sản. Bất động sản không thoát khỏi quy luật tự nhiên của nó. Hiện tại, bất động sản đã giảm khá mạnh nhưng vẫn còn quá cao so với khả năng chi trả của phần lớn người dân. Giá bất động sản cao đến mức phi lí vượt quá quy luật thông thường. Như vậy, việc giảm giá bất động sản là điều không tránh khỏi.
Thị trường bất động sản Việt Nam cũng có quá nhiều khuyết tật. Doanh nghiệp bất động sản thiếu năng lực, thiếu vốn, quy định pháp luật thiếu minh bạch và hàng loạt tiêu cực trong vấn đề đất đai, cấp phép dự án… Bất động sản đã có một thời phát triển dựa trên “niềm tin” chứ không phải những điều căn bản nhất. Như vậy, niềm tin khắc phục được những yếu kém này?
Bên cạnh đó, hiện tại kinh tế đang rất khó khăn. Mới đây Chính phủ đã phải hạ mục tiêu tăng trưởng năm 2013 xuống chỉ còn 5,5%. Hàng loạt những bất ổn của kinh tế như chất lượng đầu tư, hệ thống ngân hàng, nợ xấu, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công…Theo các chuyên gia đánh giá nếu thực sự quyết tâm tái cấu trúc kinh tế thì Việt Nam phải mất 3-5 năm để thực hiện.
Trong bối cảnh đó thị trường bất động sản không thể đi lên bằng niềm tin.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: