Đối với ngành kính xây dựng đạt mức thấp kỷ lục, mức tiêu thụ chỉ đạt 60% so với cùng kỳ 2012. Kế đến, các ngành khác như thép, gạch ốp lát, gạch không nung… đạt sản lượng tiêu thụ dao động trong khoảng 60%-70% so với cùng kỳ. Việc tiêu thụ sản phẩm VLXD chậm, cộng với những khó khăn về vốn đã khiến các DN rơi vào hoàn cảnh bế tắc trong việc sản xuất kinh doanh. Và để “thoát thân” nhiều DN đã phải tính đến chuyện bán tháo DN cho các đối tác nước ngoài. Đến nay, làn sóng sáp nhập-mua bán DN (M&A) đã nở rộ ở hầu hết lĩnh vực trong ngành VLXD.
Cuối năm 2012, hàng loạt thương vụ M&A lớn trong ngành VLXD đã diễn ra. Trong đó, Tập đoàn sản xuất xi măng lớn nhất Đông Nam Á đã hoàn tất việc mua lại 70% cổ phần của Xi măng Thăng Long, tương đương với giá trị khoảng 230 triệu USD. Kế đến, Tập đoàn The Vissai đã mua lại Xi măng Đô Lương từ Tập đoàn HUD. Trước đó, vào năm 2011, Tập đoàn The Vissai cũng đã thành công trong thương vụ mua lại Nhà máy Xi măng Hòa Phát (huyện Thanh Liêm, Hà Nam). Với các thương vụ này, The Vissai đã làm cả ngành xi măng bất ngờ, nhất là trong bối cảnh ngành xi măng đang gặp khó khăn về đầu ra như hiện nay. Và mới đây, cuối tháng 3-2013, Tập đoàn The Vissai cũng đã hoàn tất thương vụ mua lại Xi măng Đồng Bành từ Tổng Công ty Coma. Làn sóng M&A cũng diễn ra mạnh mẽ ở các ngành khác như gạch, thép, thủy tinh và gốm sứ... Đơn cử, cuối năm 2012, thị trường VLXD chứng kiến một thương vụ M&A trong ngành gạch khi Prime, thương hiệu lớn trên thị trường gạch ốp lát Việt Nam đã bán lại 85% cổ phần (khoảng 5.000 tỷ đồng) cho Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan. Hay SCG đã chi 5,5 triệu USD để mua lại 99% cổ phần và nâng cấp Nhà máy Xi măng Bửu Long (Đồng Nai) có công suất 200.000 tấn/năm.
Theo thống kê của Hội VLXD, hiện nay các công ty có vốn FDI chiếm đến 33% công suất toàn ngành. Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đây, Hội VLXD đưa ra cảnh báo, nhiều nhà máy trong ngành VLXD sẽ tiếp tục bị các DN nước ngoài thôn tính. Trước tình trạng trên, đã có một số ý kiến đề nghị Chính phủ cấm các DN VLXD trong nước bán cho nước ngoài. Tuy nhiên, điều này là không thể do từ trước đến nay không có một quy phạm pháp luật nào, kể cả các văn bản cao nhất ngăn cản việc sáp nhập-mua bán DN. Còn theo TS Nguyễn Quang Cung - Phó Chủ tịch Hội VLXD VN, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, việc sáp nhập-mua bán DN diễn ra bình thường. Tuy nhiên, việc các DN nội ồ ạt bán, còn DN ngoại đua nhau mua đang đặt ra những vấn đề cần phân tích, mổ xẻ. Cụ thể, nên xem lại các nhà máy VLXD tại những khu vực nhạy cảm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, chẳng hạn ở những khu vực biên giới. Khi bán dự án cho đối tác, sản phẩm sẽ được xuất khẩu và DN nước ngoài hưởng lợi và để lại hậu quả ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên, cảnh quan bị phá vỡ.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: