Mua căn hộ với dự định để lập gia đình rồi dọn về ở vào đầu năm sau, nhưng dịch bệnh khiến mọi kế hoạch của Minh Đức (ngụ Quận 9 cũ) gần như bị đảo lộn.
Thu nhập bị giảm hơn phân nửa vì dịch khiến việc đóng tiền theo theo tiến độ thi công gặp khó, anh Đức đành gác lại kế hoạch mua thêm nhà mới để tập trung đóng tiền trả góp căn hộ mà anh đang sống cùng em gái.
“Căn hộ hơn 52m2 tại Dĩ An, Bình Dương với giá 1,4 tỉ đồng, tôi đã đóng được hơn 70% theo tiến độ. Trước khi dịch bùng phát có thể bán chênh lệch khoảng 150 triệu đồng. Với giá này, tôi lãi khoảng 80 triệu đồng vì phải chịu phí chuyển nhượng, tiền hoa hồng cho môi giới. Nhưng dịch bùng phát, tôi bán giá cũ mãi không có người mua, đành phải bán với mức lãi chỉ 30 triệu đồng sau khi trừ thủ tục, chi phí”, anh Đức cho biết.
Một dự án căn hộ ở khu Nam TP.HCM.
Những trường hợp như anh Đức không hiếm trên thị trường trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng. Anh Thông, nhà đầu tư căn hộ tại TP.HCM, cho biết anh đang rao bán căn hộ tại quận 7 để gom tiền đầu tư việc khác cần số vốn lớn hơn.
Sau nhiều lần khách đến xem, đã có người đồng ý rồi “bẻ kèo”, anh đành giảm thêm gần 150 triệu so với giá thị trường, tặng kèm luôn nội thất cơ bản cho chủ mới để bán nhanh vì cần vốn gấp.
“Khách mua để ở nên xem xét kỹ lưỡng, thậm chí tìm mọi cách ép giá trong mùa dịch nên nếu không cần vốn gấp thì chắc chắn tôi không bán với giá chỉ lời chưa đến trăm triệu sau nhiều năm”, nhà đầu tư ngụ Gò Vấp buồn bã nói.
Giới quan sát thị trường cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, tiêu thụ căn hộ bị ảnh hưởng khiến nhiều nhà đầu tư đành chấp nhận tiền lãi thấp sau thời gian dốc tiền tỉ ra đầu tư. Nhưng giao dịch mua bán giảm mạnh, đa số người mua lúc này là những người có khả năng tài chính tốt, muốn mua vào với giá hời khi thị trường trầm lắng.
Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, trong quý 2 vừa qua, lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ của phân khúc căn hộ TP.HCM chỉ đạt gần 1.400 căn, giảm 35% so với quý trước và 36% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Theo thống kê, có khoảng 40% số lượng dự án sơ cấp có giá bán tăng nhẹ, nhưng số lượng nguồn cung tăng giá khá nhỏ so với tổng nguồn cung. Các dự án sơ cấp có giá bán cao hơn trước, phần lớn đến từ việc chi phí phát triển dự án có xu hướng tăng dần theo thời gian.
Quỹ đất phát triển nhà ở hạn chế, chi phí đất tăng cao, lãi vay, thời gian cấp phép dự án kéo dài, dẫn đến chi phí đầu vào và phát triển dự án của doanh nghiệp càng tăng. Tuy nhiên, việc thiếu vắng nguồn cung mới, cạnh tranh cũng thúc đẩy sự tăng giá cục bộ và chỉ phản ánh yếu tố nguồn cung, chứ không phản ánh tình hình cung cầu thị trường.
Bà Giang Huỳnh, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu Savills TP.HCM, cho biết việc tỷ lập hấp thụ chỉ đạt 35% bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch mới nhất đang phản ánh áp lực về nguồn cầu tại thời điểm hiện tại.
“Nếu tình hình dịch bệnh không sớm được kiểm soát, tình hình cung cầu của thị trường vẫn sẽ gặp những áp lực tương tự”, bà Giang Huỳnh dự báo.
Tương tự trong báo cáo mới đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết 3 tháng qua, đại dịch bùng phát lần thứ 4 và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường nhà ở.
Căn hộ trung cấp có tỷ lệ hấp thụ đạt 72,7%, trong khi đó căn hộ cao cấp có tỷ lệ hấp thụ kém và thấp nhất so với toàn thị trường nhà ở, chỉ đạt 10%. Điều này có nghĩa 90% căn hộ cao cấp tung ra trong quý vừa qua bị xếp vào nhóm hàng tồn kho.
Dữ liệu mới nhất của DKRA Việt Nam cho thấy trong quý 2 vừa qua, thị trường TP.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm so với quý trước. Trong đó, nguồn cung giảm 28% và lượng tiêu thụ giảm 26%.
Trong quý 2/2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại dẫn đến nhiều địa phương trên cả nước phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo đó, thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận chỉ hoạt động chủ yếu trong tháng 4 và đầu tháng 5. Đáng chú ý là sự sụt giảm đáng kể về nguồn cung và lượng tiêu thụ ở phân khúc căn hộ.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: