30.000 tỉ đồng được xem là quá ít để tạo nên một cú hích mạnh đối với thị trường BĐS. Ảnh: QUỲNH MAI
So với những dự thảo trước, dự thảo lần này có một số cải tiến, tuy nhiên vẫn còn một số điểm gây tranh cãi.
Băn khoăn với thời hạn cho vay
Theo dự thảo, người tiêu dùng được vay trong 10 năm và được áp dụng LS vay 6% trong 3 năm, đến 15.4.2016. Sau thời điểm này, khách hàng tiếp tục được hưởng chính sách LS hỗ trợ theo công bố của NHNN. Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM - cho rằng: “Theo tôi, việc NHNN không nói rõ LS mới sau 15.4.2016 như thế nào sẽ khiến người tiêu dùng không yên tâm và không dám vay”.
Ông Lê Hoàng Châu đề nghị: “NHNN nên quy định, sau 15.4.2016, nếu LS mới thấp hơn 6%, người tiêu dùng được hưởng theo mức LS mới, nếu LS mới cao hơn 6% thì người tiêu dùng vẫn được hỗ vay với mức 6%. NHNN nên quy định rõ về vấn đề này chứ không nên thả nổi như thế. Về thời hạn cho vay, tôi đề nghị thời hạn cho người tiêu dùng vay cần nâng lên 20 năm. Như vậy mới phù hợp với khả năng tài chính của người tiêu dùng, và số tiền trả hằng tháng cho NH ở mức hợp lý.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, một số chuyên gia cũng bày tỏ sự băn khoăn về LS và thời hạn cho vay nêu trong dự thảo lần 4. Bởi việc mua nhà trả góp, đặc biệt là đối tượng làm công ăn lương, cán bộ công chức (đối tượng được hưởng ưu đãi theo Nghị quyết 02 –PV) thông thường cần phải có thời hạn từ 15 - 20 năm. Không phải ngẫu nhiên mà các Cty kinh doanh BĐS hiện nay đa số đều bán trả góp qua NH với thời hạn kéo dài 20 năm.
Một vấn đề khác, đó là thời hạn cho vay quá ngắn theo như dự thảo lần 4 của NHNN sẽ khiến việc trả nợ của đối tượng được vay rất nặng. Trong buổi họp về kế hoạch triển khai Nghị quyết 02 của TPHCM, một chuyên gia NH cho rằng nếu những người đáp ứng đủ các điều kiện vay và trả nợ vay thì không thể gọi là người thu nhập thấp. Bởi, nếu vay 700 - 800 triệu đồng, ngoài lãi vay và chi phí cho cuộc sống, học hành của con cái thì hai vợ chồng phải có thu nhập ít nhất 20 triệu đồng/tháng, như vậy không thể gọi là người có thu nhập thấp.
Nên hướng về người mua nhà
Trong dự thảo đề cập đến khoản vốn 30.000 tỉ đồng dành để kích cầu. Theo ông Lê Hoàng Châu: “Nhà nước ước lượng gói kích cầu là 20.000 – 40.000 tỉ, phía NHNN đưa ra ước tính là 30.000 tỉ. Số tiền 30.000 tỉ này được dùng hỗ trợ cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp, theo tôi thấy đây là số tiền quá nhỏ để tạo nên một cú hích mạnh cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay. Theo tôi chỉ nên dùng số tiền này để hỗ trợ người tiêu dùng. Có như vậy mới hỗ trợ được đông đảo người tiêu dùng có thu nhập thấp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nên đưa ra gói kích cầu 40.000 tỉ đồng, trong đó 30.000 tỉ hỗ trợ người tiêu dùng, 10.000 tỉ đồng còn lại cho DN.
Trong thông tư còn đề cập đến một số vấn đề khác, tuy nhiên hiện nay những vấn đề này chưa rõ ràng. Ông Lê Hoàng Châu đơn cử: “Theo dự thảo thông tư, tài sản đảm bảo do NH quy định. Theo tôi cần làm rõ hơn. Đề nghị quy định rõ với cá nhân mua nhà, tài sản đảm bảo chính là căn hộ cá nhân mua hoặc thuê mua; với doanh nghiệp thì tài sản đảm bảo chính là dự án nhà ở doanh nghiệp đang xây dựng”.
Trên thực tế, đối tượng được vay vốn với LS ưu đãi để mua nhà phần lớn là người mua nhà lần đầu, vì vậy nếu không chấp thuận phương án thế chấp dùng căn nhà mà họ mua làm tài sản thế chấp thì khó có phương án nào khả thi hơn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: