Trong đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Huỳnh Uy Dũng đã tố cáo ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ba nội dung: không phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, không cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu công nghiệp Sóng Thần 3.
Khi quyết định tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung, chắc chắn ông Huỳnh Uy Dũng đã phải tiên lượng các căn cứ pháp lý để "đấu lý" với ông Cung)
Trở lại thời điểm năm 2009, chỉ đến khi Tỉnh ủy Bình Dương trong một cuộc họp đã cho rằng việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khu công nghiệp sang đất ở cho khu công nghiệp Sóng Thần 3 “có vấn đề”, dẫn đến chủ đầu tư kêu gọi góp vốn, phân lô cũng trái luật, lúc đó các cơ quan tham mưu (Sở Xây dựng và ban quản lý các khu công nghiệp) mới vội vàng... sửa sai.
Tuy nhiên, lúc phát hiện ra lỗ hổng khi ra văn bản cho phép Công ty cổ phần Đại Nam (chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 3) chuyển mục đích sử dụng đất sai với quy định của pháp luật, đáng lẽ UBND tỉnh phải chấp nhận phương án thu hồi quyết định đã ban hành, bồi thường thiệt hại cho Công ty Đại Nam, nhưng nhà quản lý lại chọn phương án khác khi giải quyết hậu quả.
Ban đầu, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương tham mưu cho UBND tỉnh nên điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất của khu đất hơn 32 hecta (đã đưa vào góp vốn) sang khu nhà ở thương mại, cho Công ty Đại Nam xây nhà ở hoặc giao đất đã phân lô cho người góp vốn.
Sau đó, nhiều sở ngành đã tư vấn cho Công ty Đại Nam làm thủ tục xin UBND tỉnh điều chỉnh khu công nghiệp Sóng Thần 3 theo phương án tách làm hai: khoảng 400 hecta làm khu công nghiệp, hơn 133 hecta (trong đó có 61 hecta đã giao chuyển mục đích sang đất ở lâu dài sai mục đích) làm khu dân cư đô thị.
Liệu chừng sự “phóng tay” ký lố thẩm quyền, cho chuyển đổi đất khu công nghiệp thành đất ở dài hạn của nhà quản lý chỉ xảy ra với Công ty Đại Nam, hay còn với nhà đầu tư nào khác?
Công ty Đại Nam nhanh chóng đồng ý, vì cách này cũng phù hợp với chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương “giảm diện tích đất công nghiệp, tăng diện tích đất đô thị - dịch vụ” khi phấn đấu xây dựng đô thị loại 2.
Sau khi Công ty Đại Nam lập dự án xin tách khu công nghiệp Sóng Thần 3 thành hai dự án: khu dân cư đô thị (khoảng 133 hecta, trong đó có khu đất giao sai mục đích) và khu công nghiệp (khoảng 400 hecta), trong đó công ty Đại Nam trình luôn quy hoạch chi tiết 1/500 phần dự án dân cư đô thị.
UBND tỉnh cho rằng phải chờ Bộ Xây dựng phê duyệt trước. Lý do là nhiều chủ đầu tư các khu công nghiệp trong Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương đều có kiến nghị thay đổi cơ cấu sử dụng đất theo hướng tăng đất đô thị, dịch vụ, giảm đất công nghiệp. Khu liên hợp (do BECAMEX làm chủ đầu tư) do Bộ Xây dựng phê duyệt dự án, hiện tại BECAMEX đang sửa quy hoạch chi tiết khu liên hợp và trình Bộ Xây dựng. Khi nào bộ duyệt xong, UBND tỉnh sẽ căn cứ vào quy hoạch mới, duyệt quy hoạch chi tiết cho từng khu công nghiệp trong khu liên hợp.
Như vậy, việc giải quyết hậu quả cho Công ty Đại Nam chỉ dừng lại ở giới hạn đề xuất, phần phê duyệt điều chỉnh (để sửa sai) đã bị UBND tỉnh bỏ lửng đã 4 năm nay. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến ông Huỳnh Uy Dũng, chủ khu du lịch Đại Nam, phát đơn tố cáo.
Dư luận sẽ đặt dấu hỏi trong tương lai khi giải quyết tố cáo: các bên sẽ xử lý hậu quả thế nào đối với người đã lỡ góp vốn mua đất của Công ty Đại Nam? Hoặc những thiệt hại khác khi một quyết định hành chính sai được ban hành, như “treo” dự án của nhà đầu tư nhiều năm mà không có một trả lời hay giải quyết chính thức từ nhà quản lý, tính sai tiền sử dụng đất, vuột mất những cơ hội làm ăn của doanh nghiệp… sẽ giải quyết thế nào. Chưa kể trách nhiệm hành chính của nhà quản lý hay người đã ban hành quyết định hành chính sai, gây hậu quả nghiêm trọng như vậy sẽ bị xử lý, chế tài ra sao, kể cả khi vị cán bộ đó đã về hưu.
Để đong đầy, tính đủ những thiệt hại vật chất, nhiều khả năng sau đơn tố cáo của ông Huỳnh Uy Dũng sẽ là một phiên tòa phân xử giữa ông Dũng và chính quyền tỉnh Bình Dương xem bên nào thắng - bên nào thua. Và liệu chừng sự “phóng tay” ký lố thẩm quyền, cho chuyển đổi đất khu công nghiệp thành đất ở dài hạn kiểu như trên của nhà quản lý chỉ xảy ra với Công ty Đại Nam, hay còn với nhà đầu tư nào khác?