KCN Yên Phong, Bắc Ninh - nơi thu hút các tập đoàn lớn như Samsung, ABB... Ảnh: HH
"Bến đỗ" của nhiều tập đoàn lớn
Tỉnh Bắc Ninh hiện có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 6.397,68ha; có 12 KCN được cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định thành lập với diện tích quy hoạch 4.552,91ha, diện tích đất công nghiệp cho thuê 3.181,94ha. Trong đó, có 10 KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch đạt 61,6%.
Theo ông Nguyễn Đăng Hùng - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và xây dựng, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh: Thời gian qua, công tác quản lý quy hoạch xây dựng trong các KCN trên địa bàn đã được thực hiện đúng trình tự, quy định, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các KCN đã thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây chính là tiền đề quan trọng giúp Bắc Ninh giữ vững nhịp độ tăng trưởng, tiến tới mục tiêu phấn đấu trở thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 2022.
Ông Bùi Hoàng Mai - Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết, lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 1.542 dự án (D.A) FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 19,1 tỷ USD; đầu tư trong nước có 1.324 D.A còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 159 nghìn tỷ đồng… Hàn Quốc là quốc gia có số D.A và vốn đầu tư nhiều nhất; tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc và các quốc gia khác.
“Thực tế cho thấy, tỷ trọng vốn FDI ngày càng chiếm phần lớn trong thu hút đầu tư vào các KCN, chất lượng các D.A ngày nâng cao. Hầu hết các D.A FDI thu hút vào các KCN đều thuộc lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghiệp hỗ trợ cho các ngành này. Trong đó, có các D.A của các tập đoàn lớn, có thương hiệu nổi tiếng khu vực và thế giới như: Canon, Samsung Electron, Samsung Display, Hồng Hải Foxconn, ABB...” - ông Bùi Hoàng Mai nói và nhấn mạnh, các D.A đều sử dụng máy móc, thiết bị thế hệ mới, công nghệ sản xuất tiên tiến, sản xuất các sản phẩm sạch, không phát sinh nhiều yếu tố ảnh hưởng đến môi trường.
KCN - "hạt nhân" của sự tăng trưởng
Có thể nói, các doanh nghiệp KCN đi vào hoạt động đã đóng góp quan trọng vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh Bắc Ninh.
Nếu như, năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp của các KCN đạt 48,35 tỷ đồng, chiếm 43,7% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh thì từ năm 2015 đến nay luôn đạt trên 500.000 tỷ đồng; năm 2019 đạt 1.151.265 tỷ đồng, chiếm trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Theo ông Bùi Hoàng Mai, các KCN là nhân tố quan trọng nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh có giá trị xuất siêu cao, tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với đó, giải quyết việc làm cho 310 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Các KCN phát triển cũng góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương. Qua các năm, tỷ lệ nộp ngân sách của các doanh nghiệp liên tục tăng. Năm 2010, các doanh nghiệp nộp ngân sách 2.150 tỷ đồng, chiếm 35,2% tổng thu ngân sách tỉnh; năm 2015, con số này là 6.000 tỷ đồng, chiếm 50,7% cả tỉnh và năm 2019 đã lên tới 11.467 tỷ đồng, khoảng 60% so với cả tỉnh…
Với những đóng góp trên, các KCN đã khẳng định được vai trò quan trọng – là "hạt nhân" của sự tăng trưởng, góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, đến nay, các KCN mới hình thành chưa thu hút được nhiều sự đầu tư; mối liên kết kinh tế còn trong phạm vi hẹp; công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa theo kịp tốc độ thu hút FDI. Một số KCN chưa hoàn thiện tầng kỹ thuật, gây ảnh hưởng đến thu hút FDI và tác động xấu đến môi trường KCN...
Gỡ "nút thắt", tạo đà cho sự phát triển
Để tiếp tục phát huy những nhân tố tích cực, thu hút FDI và các D.A của những tập đoàn có thương hiệu toàn cầu, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho rằng, trước hết, cần đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo được quỹ đất lớn và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN đồng bộ.
Lý giải về điều này, ông Bùi Hoàng Mai chia sẻ, để đạt được mục tiêu thu hút đầu tư các D.A lớn, cần phải có quỹ đất công nghiệp có sẵn cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê. Hiện nay, quỹ "đất sạch" còn rất ít và không đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn. Trong khi đó, việc bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao đất lại là điểm “nghẽn” trong quá trình đầu tư hạ tầng KCN và thu hút đầu tư.
Để gỡ “nút thắt” này, theo ông Bùi Hoàng Mai cần tập trung cao độ cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ "đất sạch"; cùng với đó, phải đẩy nhanh việc đầu tư, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN; định kỳ tiến hành kiểm tra chất lượng các công trình xây dựng, đôn đốc việc thực hiện tiến độ, kịp thời phát hiện những sai phạm tiêu chuẩn kỹ thuật, những vướng mắc khó khăn để có biện pháp xử lý và hỗ trợ kịp thời. Không chỉ vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và xác định lĩnh vực mũi nhọn thực hiện xúc tiến đầu tư…
Với những định hướng cụ thể, phù hợp, tỉnh Bắc Ninh đang dần cắt giảm, loại bỏ các rào cản, tạo lập môi trường đầu tư năng động, đổi mới và khoa học. Đồng thời, tỉnh cũng đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng, bắt kịp các xu hướng công nghệ… Đây chính là những yếu tố then chốt, góp phần tạo nên sức hấp dẫn để các nhà đầu tư lớn có thương hiệu toàn cầu chọn làm “bến đỗ” và gắn kết với mảnh đất Kinh Bắc.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: