Ảnh minh họa.
Ngày 13/10, Chính phủ gửi đến Quốc hội báo cáo về tình hình thực hiện dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Đây là dự án có tổng chiều dài 654 km đường bộ cao tốc, 11 dự án thành phần, tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, trong đó gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện dự án, 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước và 8 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), sau đó Quốc hội lại đồng ý chuyển tiếp 3/8 dự án PPP sang đầu tư công.
Cập nhật tiến độ, Chính phủ cho biết, 3 dự án đầu tư công một số đoạn có thể hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2021. Riêng cầu Mỹ Thuận phấn đầu hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2023.
Các dự án thành phần chuyển từ PPP sang đầu tư công là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây trong tổng số gồm 13 gói thầu xây lắp đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu 3/13 gói thầu, các gói thầu còn lại hoàn thành lựa chọn nhà thầu trong tháng 10/2020.
Đã khởi công 3 gói thầu đầu tiên ngày 30/9/2020, các gói thầu còn lại dự kiến khởi công trong tháng 10/2020. Phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2022.
Riêng 5 dự án đầu tư theo PPP thì còn khá “chênh vênh” khi đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu có 4 dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (gồm các đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo); 01 dự án thành phần (đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu) không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Chính phủ cũng cho biết các bước tiếp theo đối với 4 dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, đó là bên mời thầu sẽ đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, trình phê duyệt kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật; nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật theo yêu cầu sẽ được tiếp tục mở và đánh giá đề xuất tài chính thông qua phương pháp vốn góp nhà nước để đánh giá về tài chính - thương mại; các thông số khác như thời gian hoàn vốn, mức giá dịch vụ,... sẽ được xác định cố định. Nhà đầu tư có đề xuất giá trị vốn góp nhà nước thấp nhất và không vượt giá trị vốn góp tối đa của nhà nước đã quy định trong hồ sơ mời thầu sẽ được xem xét đề nghị trúng thầu.
Trên cơ sở kết quả đánh giá về tài chính, Bên mời thầu trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020.
Theo yêu cầu tại Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ, nhà đầu tư có thời gian tối đa 06 tháng (từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng; trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Theo hồ sơ mời thầu đã phát hành cho nhà đầu tư, tiến độ yêu cầu đối với 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nha Trang - Cam Lâm cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác năm 2022; còn 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo do có công trình cầu, hầm đường bộ lớn nên sẽ hoàn thành đưa vào khai thác đầu năm 2023.
Đối với 01 dự án thành phần (đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu): Đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu vẫn không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, theo quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
RẤT KHÓ KHĂN VỀ VỐN
Chính phủ cũng trình bày, việc huy động vốn tín dụng đối với các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Dù đây là dự án quan trọng quốc gia thì việc cung cấp tín dụng phải thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành, các ngân hàng tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn tín dụng của tổ chức tín dụng.
Với 4/5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP đã có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, sau khi có kết quả lựa chọn nhà đầu tư, các ngân hàng thương mại sẽ tổ chức thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng mới quyết định việc cung cấp tín dụng cho các dự án.
Như vậy, ngay cả trường hợp nhà đầu tư đã được lựa chọn và ký kết hợp đồng, cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án.
Theo yêu cầu tại hồ sơ mời thầu, nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng (từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng; trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư đã được lựa chọn nhưng không huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: