Cần phân định rõ dự án vì lợi ích công cộng và tư nhân, minh bạch về giá đất, tăng cường đấu giá đất, công khai quy hoạch… mới mong giảm khiếu kiện. Đây là ý kiến của một số đại biểu khi Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại tổ chiều 6.11.
Công khai thông tin để giảm dự án treo
Tách bạch công, tư
Đại biểu Lê Trọng Sang cho rằng cần phân định quyền của người dân và Nhà nước về đất đai. “Luật Dân sự năm 2005 quy định quyền sử dụng đất là tài sản, là hàng hoá đặc biệt. Vì vậy, không thể gọi là “thu hồi” đất đai khi người dân đang sử dụng tài sản một cách hợp pháp.
“Thu hồi” như sự cào bằng giữa người chấp hành tốt và người chấp hành không tốt. Quyền thu hồi đất chưa được quy định trong Hiến pháp 1992 vì thế đề nghị cần sửa đổi luật theo hướng nhà nước “trưng mua, trưng dụng” quyền sử dụng đất. Cần xây dựng Luật Trung mưa, trưng dụng và tài sản khác gắn liền với đất”, Đại biểu Sang nói.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cũng cho rằng, điểm “không ổn” ở dự thảo luật chính là việc mở rộng diện các dự án Nhà nước đứng ra thu hồi và đền bù theo giá Nhà nước. Nếu quy định như dự thảo, ngay cả sân golf, dự án kinh doanh du lịch cũng là dự án lớn được Nhà nước đứng ra thu hồi. “Nhà nước chỉ thu hồi đất phục vụ vào lợi ích Quốc phòng, an ninh, kinh tế, phục vụ lợi ích công cộng; còn lại tất cả các trường hợp là theo thỏa thuận”, ĐB Nga đề nghị.
Đồng quan điểm này, Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, nhiều dự án mang danh thu hồi đất cho mục đích công cộng, nhưng thực tế lại là khu đô thị mới, chỉnh trang khu dân cư nông thôn... Do đó, cần tách những dự án này để tránh lạm dụng trong thu hồi đất.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề xuất, Nhà nước đứng ra thu hồi đất các dự án kinh tế tư nhân, sau đó đưa ra đấu giá, phần chênh lệch sẽ san sẻ cho người dân và ngân sách. “Cần chấm dứt tình trạng giao đất cho doanh nghiệp để họ đền bù thu hồi. Trong khi người dân đang ở trên mảnh đất của mình, hai nhà đầu tư cùng “mua” được giấy giao dự án và hai ông mặc cả mua đất trên “đầu” dân…”, ông Lịch nói.
Cần minh bạch thông tin
ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng việc khiếu kiện đất đai bắt nguồn từ việc cung cấp thông tin chưa cụ thể. “Trong thời gian dài, thông tin về quy hoạch sử dụng đất là độc quyền của một nhóm người, là những người làm trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai.
Nhóm người có thông tin tạo ra bất ổn về thị trường bất động sản. Đón quy hoạch, họ đầu cơ trục lợi, chỉ người dân chịu thiệt vì thiếu thông tin. Do đó cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc trục lợi bằng thông tin về quy hoạch”, đại biểu Nguyệt nói.
Đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) cũng cho rằng, việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không được công khai, thảo luận kỹ dẫn đến nhiều dự án treo, trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Bà Lan đề nghị cần bổ sung thêm một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng vào Luật Đất đai để đảm bảo tính công khai minh bạch, để người dân tham gia góp ý. Nếu cần thiết có thể xây dựng bộ tiêu chuẩn quy hoạch.
Thậm chí, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) còn cho rằng, ngay cả trường hợp quy hoạch treo, nếu công khai minh bạch cũng không gây bức xúc cho dân. “Treo 2-3 năm cũng không ảnh hưởng đến người dân, miễn là hai bên thỏa thuận những điều khoản về hạn chế sở hữu, về hạn chế sử dụng trong thời gian cho phép”, ĐB Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, thu hồi đất phải minh bạch với dân. Thu hồi bao nhiêu, giá thế nào, bố trí tái định cư, khai thác quỹ đất để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Nếu làm tốt những vấn đề trên thì việc khiếu kiện về đất đai sẽ được hạn chế.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: