Sân bay quốc tế Haneda (Ảnh: i-design.jp)
Skytrax là một tổ chức đánh giá và xếp hạng hàng không của Anh về đánh giá chất lượng dịch vụ các hãng hàng không và các sân bay. Bảng xếp hạng "100 sân bay tốt nhất thế giới năm 2020" đã được Skytrax hoàn thành vào tháng 2 năm 2020.
Hệ thống sân bay tại Nhật Bản được phân chia thành 3 nhóm: Sân bay cấp 1 đóng vai trò là trung tâm giao thông vận tải trong nước hay quốc tế, được chia thành cho tư nhân quản lý các sân bay (3 sân bay quốc tế lớn nhất), sân bay quốc gia (điều hành bởi chính phủ Trung ương) và sân bay khu vực đặc biệt (Trung tâm điều hành bởi Chính phủ tỉnh). Sân bay cấp 2 là sân bay khác tỉnh phục vụ hàng không quốc gia. Sân bay cấp 3 là các sân bay phục vụ mục đích dân sự và các lực lượng phòng vệ Nhật bản.
Trong 20 hạng đầu, riêng Nhật Bản là 4 vị trí. Đó là những sân bay sau đây:
Sân bay quốc tế Haneda
Sân bay quốc tế Haneda, còn được gọi là sân bay quốc tế Tokyo là sân bay gần trung tâm Tokyo nhất nên là lựa chọn ưa thích của du khách. Ngày càng có nhiều đường bay mới kết nối trực tiếp đến sân bay này. Để tránh ùn tắc, gần đây Chính phủ Nhật Bản phải thực hiện các quy định để buộc các hãng hàng không phải sử dụng sân bay quốc tế Narita.
Ngoài những tiện nghi, tiện ích của một sân bay cao cấp tầm cỡ thế giới. Điều làm du khách phải trầm trồ đó chính là kiến trúc hoành tráng ở đây, sự kết hợp của hiện đại lẫn truyền thống Nhật Bản. Ngay tại sân bay, người ta cũng có thể cảm nhận tinh hoa nước Nhật. Sân bay Haneda có thị trấn Edo, mô phỏng kiến trúc rất đặc trưng của khu làng nhỏ ở Nhật. Khu vực mua sắm này có tên là Edo-Koji. Không như các sân bay khác, tại sân bay Haneda, người ta có thể mua sắm trong cảnh quan phố cổ đẹp mơ màng của Nhật Bản. Ở phía sau Edo-Koji là cây cầu gỗ đậm chất Nhật Bản là nơi tham quan hay check-in lý tưởng của du khách.
Hiện có 3 nhà ga chính đang hoạt động trong sân bay Haneda: nhà ga số 1, nhà ga số 2 và nhà ga quốc tế. Giữa các nhà ga xe có sẽ đưa đón, khoảng 5 – 6 phút có một chuyến xe. Nhà ga số 1 chủ yếu phục vụ các chuyến bay của hãng Japan Airlines. Đây là nhà ga lớn và nhộn nhịp nhất ở sân bay, được xây dựng từ năm 1993. Không gian bên trong nhà ga rất tiện nghi, có đầy đủ nhà hàng, khu vực mua sắm, đài quan sát... Nhà ga số 2 được thành lập vào năm 2004, cũng có đầy đủ các khu vực nhà hàng quán ăn, khu mua sắm... Bên cạnh đó, nhà ga số 2 còn sở hữu khách sạn Haneda Excel Hotel Tokyo với rất nhiều phòng nghỉ dành cho quý khách. Nhà ga quốc tế có các phòng chờ được các hãng hàng không quốc tế khai thác như: Japan Airlines, Cathay Pacific Airways... được thành lập vào năm 2010.
Sân bay quốc tế Narita
Sân bay quốc tế Narita là một trong hai cửa ngõ quốc tế dẫn đến Tokyo, là nơi đặt quầy giao dịch của nhiều hãng hàng không bao gồm All Nippon Airways, Japan Airlines, Jetstar Japan, Peach Aviation, Nippon Cargo Airlines, Spring Airlines Japan và ZIPAIR Tokyo.
Sân bay quốc tế Narita (Ảnh: biz-journal.jp)
Narita là một sân bay lớn ở Tokyo, tọa lạc tại thành phố Chiba và cách trung tâm thủ đô Tokyo 60km. Đây là sân bay nhộn nhịp bậc nhất Nhật Bản với rất nhiều hãng hàng không quốc tế hạ cánh mỗi ngày. Sân bay có ba nhà ga chính và được kết nối với nhau bởi hệ thống xe đưa đón sân bay. Mỗi nhà ga đều có hệ thống các tòa nhà chính và tòa nhà vệ tinh.
Năm 1962, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu một phương án mới thay thế sân bay Haneda đang quá tải và đề xuất một "Sân bay quốc tế mới Tokyo" để thay thế Haneda tiếp nhận các chuyến bay quốc tế. Tokyo sau chiến tranh đã phát triển nhanh chóng đã khiến cho vùng Quan Đông thiếu đất bằng phẳng để xây sân bay, do đó nơi được lựa chọn là ở tỉnh Chiba.
Theo quy hoạch ban đầu, sân bay quốc tế Tokyo có 3 đường băng: hai đường băng Tây Bắc/Đông Nam song song dài 4.000m và một đường băng giao cắt Đông Bắc/Tây Nam dài 3.200m. Khi sân bay khánh thành năm 1978, chỉ một trong hai đường băng song song đã được hoàn thành, hai đường kia bị trì hoãn để tránh làm trầm trọng thêm tình hình vốn đang căng thẳng ở khu vực xung quanh.
Suốt cuối thập niên 1980, nhà ga xe lửa chính của sân bay Narita nằm khá xa nhà ga. Bộ trưởng Giao thông Nhật Shintaro Ishihara đã yêu cầu công ty vận hành tuyến tàu hỏa sân bay là JR và Keisei Railway nối tuyến này trực tiếp vào các nhà ga sân bay và mở nhà ga ngầm để phục vụ tàu Shinkansen đến tận nhà ga. Dịch vụ tàu điện shinkansen trực tiếp đã đến nhà ga ngày 19 tháng 3 năm 1991 và Nhà ga tàu hỏa Narita cũ được đổi tên thành ga Higashi-Narita.
Sân bay này có diện tích là 940ha, có 3 terminal dân dụng. Trong đó Terminal 1 là dành cho các hãng máy bay thuộc liên hiệp Skyteam (bao gồm cả Việt Nam Airline, ANA); Terminal 2 dành cho dành cho các hãng máy bay thuộc liên hiệp One World ( ví dụ Japan Airline); Terminal 3 là dành cho các hãng máy bay giá rẻ (LCC). Sân bay Narita đã được hiện đại hóa đến mức cao độ. Hành khách có thể tìm được mọi dịch vụ cần thiết sau đây để chuẩn bị cho chuyến đi của mình trong nước Nhật.
Sân bay quốc tế Chubu Centrair
Sân bay quốc tế Chubu là sân bay quốc tế thuộc tỉnh Aichi. Trung tâm là Terminal Building, có các cửa hàng ăn uống, mua sắm. Nơi đây còn tổ chức nhiều sự kiện nên nó không chỉ được xem là sân bay mà còn được nhiều người biết đến như là một địa điểm du lịch. Tên gọi Centrair được ghép từ 2 từ tiếng Anh "Central"-nghĩa là địa phương ở Trung Bộ và "Airport" - nghĩa là sân bay.
Sân bay quốc tế Chubu Centrair (Ảnh: centrair.jp).
Sân bay quốc tế Chubu Centrair được xây dựng trên một hoàn đảo nhân tạo ở vịnh Ise, phía Nam thành phố Nagoya, là cửa ngõ quốc tế của vùng Chubu. Các hãng hàng không All Nippon Airways, Jetstar Japan và AirAsia Japan cũng có đặt quầy giao dịch ở đây.
Sân bay quốc tế Chubu có đầy đủ các cửa hàng, nhà hàng và cơ sở dịch vụ, giúp người đến sân bay thoải mái sử dụng và tận hưởng. Ngoài ra, sân bay có lợi thế di chuyển tới trung tâm Nagoya chỉ mất tối thiểu khoảng 28 phút. Nơi đây tại tầng 1 có Bảo tàng võ thuật Chubu, nơi trưng bày áo giáp và tấm bình phong của võ tướng khu vực Chubu. Ở tầng 4, có Sky Town, Sky Deck, bồn tắm vọng cảnh Kaze no yu - nơi du khách vừa có thể ngâm mình trong nước nóng Onsen vừa có thể ngắm những chuyến bay đến và đi.
Sân bay này sử dụng thiết kế chung toàn cầu phân riêng ra tầng 2 là ga đến và tầng 3 là ga đi nên ít phải di chuyển lên xuống. Việc xây dựng các cơ sở hạ tầng đi kèm nhiều dịch vụ để người dùng dễ sử dụng hơn, giúp giảm thiểu khoảng cách di chuyển.
Sân bay quốc tế Kansai
Là một trong những cảng hàng không quan trọng nhất Nhật Bản, sân bay Kansai tọa trên hòn đảo nhân tạo giữa vịnh Osaka, cách thành phố Osaka khoảng 40km.
Sân bay quốc tế Kansai nằm trên một hòn đảo nhân tạo giữa vịnh Osaka và chính thức đi vào hoạt động vào ngày 4/9/1994 để giúp giảm tình trạng quá tải cho sân bay quốc tế Osaka. Đây là nơi đặt quầy giao dịch của các hãng hàng không như All Nippon Airways, FedEx Express, Japan Airlines, Peach Aviation, Jetstar Japan và Nippon Cargo Airlines.
Sân bay quốc tế Kansai (Ảnh: vinci-concessions.com).
Ý tưởng về sân bay mới trên một hòn đảo nhân tạo dài 4.000m và rộng hơn 1.200m ra đời từ thập niên 80. Dự án chính thức khởi công vào năm 1987. Vị trí để xây đảo cách bờ khoảng 5km. Song vấn đề khiến các kỹ sư đau đầu không phải những thông số trên, mà là lớp đất sét bồi tích bất ổn định dưới đáy biển và vật liệu nhẹ nhưng vẫn đủ chắc chắn để chống chọi với những trận bão hay động đất tại khu vực này.
Đội ngũ kỹ sư khởi công dự án bằng cách đào 1,2 triệu giếng cát xuống lớp bồi tích, nhằm ổn định đáy biển cho đủ vững chãi để nâng đỡ hòn đảo nhân tạo. Một bức tường bê tông dài 11km được hoàn thành trong vòng 3 năm, bao quanh khoảng đất xây sân bay như thành của bể bơi, ngăn nước biển tràn vào. 48.000 khối bê tông - mỗi khối nặng 200 tấn, được xếp xuống nền móng. 180 triệu mét khối đất lấy từ ba ngọn núi, được đổ đầy vào khoảng trống bên trong bức tường cao tới 30m.
Thách thức là kết nối sân bay với đất liền. Cuối cùng họ đã tìm ra giải pháp tối ưu chính là xây dựng một cây cầu vượt biển, không quá cao gây cản trở máy bay khởi hành hoặc hạ cánh và không quá thấp để xây vừa đủ hai tầng. Tầng trên là con đường 6 làn cho ôtô, còn tầng dưới vừa đủ cho hai đường tàu chạy. Công trình này được đặt tên là Sky Gate Bridge R. 1 triệu công nhân lao động trong tổng cộng 10 triệu giờ, dùng 200 triệu tấn nguyên vật liệu, sân bay Kansai mở cửa sau 6 năm xây dựng.
Để giảm thiểu tác động tới môi trường và tiết kiệm chi phí sưởi hay làm mát, một hệ thống điều hòa không khí thụ động được thiết kế riêng cho nhà ga. Hệ thống điều khí đi qua nhà ga rộng 300.000 mét vuông, duy trì nhiệt độ dễ chịu trong khoảng 20 - 26 độ C. Năm 2007, một đảo nhân tạo thứ hai đi vào hoạt động để giảm tác động của máy bay lên đường băng và nhà ga số 1. Đảo nhân tạo này có đường băng dài 4.000m và nhà ga số 2. Tổng chi phí xây dựng sân bay hết khoảng 20 tỷ USD, bao gồm phí cải tạo đất, hai đường băng, hai nhà ga và cơ sở vật chất.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: