Dự trữ ngoại hối đã tăng liên tục thời gian qua. Kết thúc năm 2017, dự trữ ngoại hối ở mức 51,5 tỉ USD. Cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối đạt gần 79 tỉ USD và đến nay ở mức 92 tỉ USD, tương đương khoảng 4 tháng nhập khẩu.
Ước tính, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 13 tỉ USD từ đầu năm đến nay. Chủ trương của Chính phủ là tiếp tục tăng quy mô dự trữ ngoại hối khi thị trường thuận lợi để có đủ ngoại tệ can thiệp khi cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro biến động như hiện nay.
Theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Việt Nam cần tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng 6 tháng nhập khẩu. Trong tình trạng hiện nay, mục tiêu cụ thể trong vòng 12-18 tháng tới nên là hướng tới con số 150 tỉ USD. Quy mô xuất nhập khẩu tiếp tục tăng thì mục tiêu của dự trữ ngoại hối có thể còn cao hơn nữa.
Thực tế, nhìn vào cơ cấu nguồn ngoại tệ, nếu xét về tăng trưởng, điểm sáng nhất chỉ có xuất nhập khẩu, trong khi các nguồn khác đều cho thấy xu hướng giảm. Nguồn ngoại tệ lớn nhất là dòng vốn FDI. Trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,54 tỉ USD, giảm 14% so với cùng kỳ. Trước đó, Việt Nam đặt kỳ vọng 2020 sẽ tiếp tục là một năm đại thắng với FDI khi chỉ mới hết tháng 1, đã thu hút tới 5,33 tỉ USD, gấp 2,8 lần cùng kỳ.
Tuy Việt Nam đang là điểm sáng hàng đầu cho xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, nhưng theo các chuyên gia, dòng vốn FDI vẫn sẽ chậm lại do ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Theo ông Tô Hải, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt, do việc hạn chế di chuyển giữa các nước nên các chuyên gia nước ngoài chưa thể đến Việt Nam để thẩm định cũng như triển khai nghiên cứu các thương vụ, dự án để đầu tư. Ông Hải nhận định, phải đến khi hạn chế di chuyển quốc tế được nới lỏng hơn thì mới có thể kỳ vọng vào các thương vụ vào Việt Nam.
May mắn là xuất khẩu vẫn tiếp tục duy trì và trở thành động lực mới của nền kinh tế. Theo ước tính của Tổng cục Hải quan, tính chung 8 tháng thặng dư 10,93 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, nhưng tổng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước 8 tháng đạt tới 60,80 tỉ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 113,31 tỉ USD, giảm 4,5%.
Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt 162,21 tỉ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi tại khu vực kinh tế trong nước, nhập khẩu có tăng nhẹ 2,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại giảm 6%.
Sự mạnh lên của các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu trong nước được dự báo sẽ còn giữ vững đà tăng, tiếp tục thặng dư thương mại để duy trì nguồn thu ngoại hối.
Điều này cho thấy nguồn ngoại tệ từ xuất nhập khẩu đang ổn định và chất lượng hơn rất nhiều. Nguồn ngoại tệ của khối doanh nghiệp FDI được xem là không ổn định bằng các doanh nghiệp trong nước vì các doanh nghiệp FDI này có thể chuyển lợi nhuận về cho công ty mẹ ở nước ngoài bất cứ lúc nào.
Ở góc độ khác, Việt Nam đã có 3 năm liên tiếp nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Kiều hối năm 2019 đạt tới 16,7 tỉ USD. Lượng kiều hối về TP.HCM thường xuyên chiếm khoảng 50% cả nước. Theo Ngân hàng Nhà nước, 7 tháng đầu năm 2020, doanh số kiều hối về TP.HCM đạt 3 tỉ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do tác động từ đại dịch khiến lao động ở nước ngoài mất việc, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, dẫn tới lượng kiều hối chuyển về cho người thân cũng giảm đi.
Ảnh: Quý Hòa
Các công ty kiều hối cho biết, kiều hối trong 2 quý đầu năm 2020 giảm mạnh, nhất là từ các thị trường xuất khẩu lao động như Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc. Kiều hối từ các thị trường truyền thống như Mỹ, Anh, Canada, Úc... đã giảm đáng kể, có nơi giảm tới 50%. Trong khi đó, các nước phát triển đang chịu ảnh hưởng nặng nhất từ COVID-19. Kiều hối năm 2020 được dự báo sẽ không tăng như các năm trước.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định, diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp trên thế giới, nên từ nay đến cuối năm, tình hình tài chính của kiều bào bị ảnh hưởng mạnh. Vì vậy, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm nay sẽ giảm mạnh từ 10-20%. Trên phạm vi toàn cầu, World Bank dự đoán, lượng kiều hối sẽ giảm khoảng 20% do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ngoại hối liên quan tới nợ công cũng khả thi hơn. Nhiều năm qua, Chính phủ đã bám sát định hướng giảm tỉ trọng nợ công nước ngoài, tăng tỉ trọng trong nước. Hiện tỉ trọng nợ nước ngoài của Chính phủ đã giảm liên tục về mức 37,8%. Trong khi đó, áp lực trả nợ cũng không quá lớn. Trong 6 tháng đầu năm, theo Bộ Tài chính, Việt Nam đã trả nợ nước ngoài khoảng 1,8 tỉ USD. Con số này được đánh giá là không quá lớn so với nguồn dự trữ ngoại hối hiện nay
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: