Vì xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn chiếm đa số từ các doanh nghiệp FDI nên các rủi ro tiềm ẩn liên quan là không nhỏ. Ảnh: Qúy Hòa
Gây áp lực nợ nước ngoài của Chính phủ
Dư nợ nước ngoài của doanh nghiệp hiện chiếm hơn 61% tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia, trong đó FDI chiếm đến 76% dư nợ (còn lại là nợ của một số doanh nghiệp lớn và các định chế tài chính, theo số liệu năm 2019).
Có thể thấy, một nền kinh tế có nợ tư nhân tăng cao có thể gây áp lực gói nợ nước ngoài của Chính phủ cũng tăng, rất dễ vượt ngưỡng cho phép. Theo Luật Quản lý nợ công, vốn vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp cũng được tính vào nợ nước ngoài của quốc gia. Việc tăng nhanh nợ nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả chủ yếu nằm ở khối doanh nghiệp FDI, tập trung ở một số doanh nghiệp FDI quy mô lớn.
Vì thế, cũng dễ hiểu khi có nhiều lo ngại về khoản nợ từ ngắn hạn của các doanh nghiệp FDI lại được chuyển sang dài hạn khiến dư nợ nước ngoài quốc gia so với GDP tăng. Mức nợ nước ngoài của Chính phủ nay lên đến 49% GDP, đang tiệm cận mức 50% GDP Chính phủ cho phép, ảnh hưởng đến phần đi vay của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Ví dụ điển hình nhất là khoản vay gần 5 tỉ USD để mua cổ phần Sabeco của nhà đầu tư Thái khiến nợ nước ngoài của Việt Nam năm 2017 tăng đột biến lên đến 73% so với năm trước đó.
Có thể thấy, một nền kinh tế có nợ tư nhân tăng cao có thể gây áp lực gói nợ nước ngoài của Chính phủ cũng tăng, rất dễ vượt ngưỡng cho phép. Ảnh:vietstock.vn
Ngoài ra, các con số nợ nước ngoài của doanh nghiệp còn cho thấy vài điều quan trọng. Trước hết, Việt Nam đã không tận dụng được cơ hội sinh lời từ cung cấp tín dụng cho khối doanh nghiệp FDI do tiết kiệm trong nước thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP. Tiếp theo đó, rủi ro khủng hoảng nợ nước ngoài của doanh nghiệp FDI ảnh hưởng đến an toàn tài chính quốc gia dù Nhà nước không có trách nhiệm với các khoản nợ này. Vì xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn chiếm đa số từ các doanh nghiệp FDI nên các rủi ro tiềm ẩn liên quan là không nhỏ. Cuối cùng, vay nợ quốc tế nhiều cũng là dấu hiệu chuyển giá của các doanh nghiệp FDI vốn mỏng, “tay không bắt giặc” thông qua vốn đầu tư.
Đáng chú ý, có hơn 50% doanh nghiệp FDI thua lỗ, nhiều doanh nghiệp lỗ, nhưng vẫn mở rộng đầu tư. Điều này phần nào cho thấy, cùng với gia tăng nợ, tình trạng chuyển giá ngày càng phức tạp. Tại TP.HCM, theo Kiểm toán Nhà nước, có tới gần 60% doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm, gây thất thu ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng.
Tìm mô hình mới cho đầu tư FDI
Trong khi đó, về mục đích tạo việc làm, khối doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện đã tạo ra việc làm nhiều hơn khối doanh nghiệp FDI, lần lượt là doanh nghiệp tư nhân 4,7 triệu người (9,3%), doanh nghiệp nước ngoài 2,1 triệu người (4,2%) trên tổng số lao động toàn quốc.
Như vậy, đối với FDI, Việt Nam không chỉ không tận dụng được cơ hội sinh lời từ cung cấp tín dụng trong nước, mà còn không hưởng được lợi ích chuyển giao công nghệ do hướng đến thâm dụng lao động, công nghệ thấp và hệ quả là môi trường bị ảnh hưởng tiêu cực, giá trị gia tăng không nhiều. Trong khi chưa kiểm soát được thất thoát từ chuyển giá, Việt Nam vẫn phải đối diện với rủi ro vỡ nợ nước ngoài của doanh nghiệp ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, thị trường lao động dù Chính phủ không có trách nhiệm với nợ của nhóm này.
Việt Nam cần có chiến lược thu hút đầu tư FDI phù hợp nắm bắt sự thay đổi trật tự kinh tế thế giới đang diễn ra. Đổi mới mô hình tăng trưởng và chính sách thu hút FDI theo hướng bền vững và chất lượng cao hơn là vấn đề cấp thiết. Trong xu hướng đó, để tăng tốc phát triển thì tự do hóa thị trường vốn là cần thiết, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi phải nâng cấp trình độ quản lý nhà nước, mới có đủ khả năng đối phó tốt với những biến động vĩ mô toàn cầu, khắc chế được các hoạt động thao túng có tổ chức, tấn công tài chính từ bên ngoài ngày càng tinh vi hơn.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: