Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 10 vừa được thông qua hôm 17-11, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Phục hồi phải trả lãi vay
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết VNA có thể được cho vay 4.000 tỉ đồng lãi suất ưu đãi với mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (khoảng 4%/năm).
"Quyết định của Quốc hội không nêu cụ thể mức lãi suất, mà cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng yếu kém) cho VNA. VNA vẫn phải bảo đảm tất cả điều kiện để đáp ứng yêu cầu vay như phải có tài sản bảo đảm. Trước mắt, cho vay trong vòng 3 năm, thời gian này tạm hoãn tính lãi. Trong 3 năm, trường hợp VNA bắt đầu phục hồi có lãi, thì vẫn phải trích tiền để hoàn trả cho ngân hàng với lãi suất tái cấp vốn là 4%/năm, ước tính khoảng 480 tỉ đồng" - ông Sinh khẳng định.
Về việc Quốc hội đồng ý để VNA chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, ông Sinh cho biết chủ trương đầu tư do Thủ tướng quyết định, không cần báo cáo lại với Quốc hội. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là chủ sở hữu sẽ quyết định đầu tư, trên cơ sở đó chỉ định cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu.
Nhà nước hỗ trợ vốn để Vietnam Airlines sớm phục hồi, vượt qua khó khăn bởi đại dịch Ảnh: Hoàng Triều
Ông Đỗ Văn Sinh khẳng định khi bàn vấn đề này, Quốc hội đã cân nhắc nhiều khía cạnh. Hiện nay, tất cả hãng hàng không đều có những khó khăn nhất định. VNA có đặc thù là một doanh nghiệp (DN) cổ phần, nhà nước chiếm cổ phần chi phối, một trong những đơn vị rất quan trọng đối với ngành hàng không Việt Nam. Là DN quan trọng trong lĩnh vực quan trọng nên phải có chính sách ưu tiên riêng.
"Nhà nước đã có chính sách chung để hỗ trợ hàng không (như miễn giảm thuế, chi phí dịch vụ…) nhưng hỗ trợ cũng phải căn cứ vào thực tiễn. Khi nguồn lực có hạn thì phải có thứ tự ưu tiên, chia sẻ cho "đứa con" khó khăn nhất. Bên cạnh đó, ngoài việc bảo đảm hoạt động kinh doanh bình thường, VNA cũng phải đảm trách những công việc khác do nhà nước yêu cầu thực hiện, nhiều chính sách buộc phải thực hiện theo định hướng của nhà nước, bảo đảm một số công việc theo trách nhiệm của một DN nhà nước như thực hiện những chuyến bay theo yêu cầu bảo hộ công dân, nhiều chuyến bay không được tính tiền, vận chuyển theo yêu cầu của Chính phủ… Bên cạnh đó, bảo đảm cho những chuyến đi rất quan trọng, cực kỳ cần thiết vì lợi ích của quốc gia. Điều này các hãng hàng không khác không phải làm" - ông Sinh lý giải.
"Thiên vị" Vietnam Airlines?
Sau khi có thông tin "giải cứu" VNA, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý "thiên vị" DN nhà nước. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách Khoa TP HCM, nhận định trong nền kinh tế thị trường, cần nhìn hoạt động hàng không như một tổng thể, bình đẳng giữa công ty tư nhân và công ty nhà nước. "Tôi cho rằng các hãng hàng không đều đang cần hỗ trợ. Nên hỗ trợ chung cho các hãng một cách công bằng để có tiền vượt qua giai đoạn thu ít chi nhiều nhằm duy trì hoạt động. Nhà nước cần cho vay, giải cứu trên nguyên tắc làm ăn có hiệu quả, cần hỗ trợ theo lượng đóng góp cho ngân sách nhà nước trước đó, có thể căn cứ trên cơ sở làm ăn có lãi trong năm 2019" - PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nói.
TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng - cho rằng Chính phủ đã có giải pháp chung để hỗ trợ khôi phục ngành hàng không nói chung thông qua các giải pháp giảm, giãn thuế phí. Tuy nhiên, với vai trò chủ sở hữu nhà nước đối với VNA (cổ đông nhà nước giữ 86,3% vốn điều lệ) thì cổ đông lớn chưa có động thái gì. Ông cũng cho rằng VNA là hãng hàng không quốc gia, phải duy trì vì ngoài nhiệm vụ kinh doanh, hãng còn thực hiện những nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ yêu cầu như giải cứu công dân, vận chuyển hàng hóa vùng dịch… "Hãng hàng không như VNA phải là nhân tố đầu tiên để phục hồi các đứt gãy về kinh tế" - ông Cung khẳng định.
Cắt giảm hơn 5.300 tỉ đồng chi phí
Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành cho biết cuối năm 2019, hãng có lượng tiền dự trữ khoảng 4.000 tỉ đồng. Thế nhưng, dịch Covid-19 ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các kế hoạch trả nợ vay ngắn và dài hạn. Với các biện pháp ứng phó dịch Covid-19 trong thời gian qua, hãng đã chủ động tiết kiệm, tiết giảm hơn 5.000 tỉ đồng chi phí.
"VNA đã chủ động cắt giảm 5.335 tỉ đồng, trong đó có phần cắt giảm khó ra quyết định nhất là chi phí tiền lương, nhân công. Hãng cũng làm việc với ngân hàng để tái cơ cấu khoản vay, lùi thời hạn trả nợ, đàm phán với đối tác để giãn tiến độ thanh toán hơn 4.200 tỉ đồng (đến cuối năm, con số này dự kiến tăng lên đến 6.000 tỉ đồng)" - Trưởng Ban Tài chính kế toán VNA Trần Thanh Hiền cho biết.
Theo ông Đỗ Văn Sinh, giải pháp trên trước mắt hỗ trợ VNA có dòng tiền để bảo đảm tính thanh khoản. Bên cạnh đó cũng yêu cầu VNA phải có trách nhiệm khắc phục khó khăn, nỗ lực để phục hồi. "Nhà nước đã có hỗ trợ, bản thân VNA cũng phải sắp xếp lại các hoạt động, tái cơ cấu, tiết kiệm chi phí, hợp lý hóa những hoạt động hiện nay đang còn gặp nhiều khó khăn, chuẩn bị các phương án trong trường hợp phục hồi lại những hoạt động bình thường" - ông Sinh nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng hiện nay VNA cũng đã tiết giảm tất cả các khoản chi phí, tất cả phải sắp xếp lại, các đội bay, tuyến bay, đội ngũ phi công, tiếp viên, nhân viên mặt đất… VNA cần tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt. Với người lao động, về nguyên tắc, ngoài những khoản hỗ trợ này ra, VNA cũng là một trong những đối tượng khó khăn sẽ được vay từ gói 16.000 tỉ đồng để trả lương cho người lao động, nếu đủ điều kiện sẽ được vay lãi suất 0%.
Đề xuất thêm chính sách đặc thù TS Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội DN hàng không Việt Nam, cho rằng việc Quốc hội đồng ý "giải cứu", thông qua một số phương án tháo gỡ khó khăn cho VNA là cần thiết trong bối cảnh ngành hàng không gặp nhiều khó khăn do đại dịch. Dù vậy, đây mới là một số giải pháp bước đầu trong khi các hãng vẫn đang rất khó khăn về dòng tiền, thanh khoản, đòi hỏi thêm giải pháp trong dài hạn. "Trong trường hợp này, nhà nước đóng vai trò là cổ đông rót vốn vào Vietnam Airlines nên cũng cần những cam kết, yêu cầu về việc điều hành, hoạt động kinh doanh sao cho hiệu quả và cả phương án bán lại cổ phần khi cần thiết" - TS Bùi Doãn Nề nói. Các hãng hàng không cũng đang tiếp tục kiến nghị về gói hỗ trợ tài chính trị giá 25.000 tỉ đồng theo phương án bảo lãnh tín dụng, với lãi suất vay ưu đãi giúp các hãng sớm phục hồi. Hiệp hội DN hàng không Việt Nam đề xuất một số chính sách đặc thù hỗ trợ ngành hàng không như: Nhanh chóng ban hành các quy định về quy trình, thủ tục thực hiện các chuyến bay trong nước và quốc tế; kéo dài thời gian thực hiện các khoản hỗ trợ, giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường; kéo dài thời gian giảm giá dịch vụ đối với các hãng hàng không và nghĩa vụ tài chính của các DN trực tiếp phục vụ hoạt động bay... Cần nghiên cứu hình thành các nhóm công tác (liên ngành) của Chính phủ, chịu trách nhiệm hình thành chính sách đồng bộ về hỗ trợ cho ngành hàng không. Th.Phương |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: