Theo ông Abhas Jha, nhà ở giá thấp cho người nghèo không chỉ có giá rẻ mà còn cần đảm bảo cư dân ở đó dễ dàng tiếp cận việc làm, dịch vụ và các hoạt động giải trí thông qua việc sử dụng hỗn hợp các mô hình khác nhau và sử dụng giao thông công cộng chất lượng cao.
Nhà ở xã hội tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Ảnh: Tú Chi
Tại Trung Quốc, nhu cầu mở rộng đô thị kéo theo sự phát triển quy mô lớn ở vùng ven đô. Chính quyền các TP đã tập trung mở rộng các khu vực xa xôi hẻo lánh để kiếm lợi nhuận từ việc bán đất thay cho phát triển trong nội đô vì rất khó khăn, phức tạp. Chính quyền thường xây siêu chung cư có mật độ cư dân cao nhưng thiếu các cơ quan công sở, dịch vụ và khu giải trí, dẫn đến thiết kế đô thị kém chất lượng, môi trường sống xuống cấp. Việc không kết nối với hệ thống giao thông công cộng dẫn đến thời gian đi làm kéo dài, chi phí giao thông cao, không liên kết với nơi làm việc, dịch vụ và cuộc sống đô thị.
Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, điều kiện để phát triển nhà ở cho người TNT thành công là việc đảm bảo khả năng tiếp cận. Ông Abhas Jha đánh giá cao cơ hội của Việt Nam khi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang thực hiện chủ trương phát triển tàu điện và xe buýt, nhưng lưu ý rằng, điều cốt yếu, các dự án tàu điện và xe buýt chỉ có lợi ích thực sự khi mạng lưới giao thông công cộng được hoàn thiện. Theo ông Abhas Jha, hiện đang là thời điểm tốt để quy hoạch hướng tiếp cận cho các dự án nhà ở giá thấp, thông qua các quy định về xây dựng và chiến lược sử dụng đất. Chính phủ có thể chủ động trong các dự án nhà ở giá thấp mà không cần can thiệp trực tiếp, thông qua việc cải tiến chức năng của thị trường đất đai, tăng khả năng tiếp cận giao thông và quản lý rủi ro.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: