Đồng loạt xin rút
Từ vài năm nay, việc các dự án bỏ hoang la liệt trên địa bàn đã trở thành một vấn đề nhức nhối đối với Hà Nội. Điều đáng bàn là, dù đã không ít lần bị “điểm mặt chỉ tên”, tình trạng này vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí còn tăng lên.
Cách đây gần 1 năm, hàng loạt chủ đầu tư lớn để đất hoang hóa đã bị TP Hà Nội đưa vào tầm ngắm như Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội (Handico), Tổng công ty Sông Hồng, Công ty Đầu tư phát triển nhà số 2 Hà Nội… Các dự án vốn ngoại cũng đã bị “điểm danh” như Công ty TNHH Booyoung (Hàn Quốc) với dự án chung cư cao cấp Booyoung Vina (Mỗ Lao, Hà Đông), Vinaconex Hoàng Thành với Khu đô thị Park City (Văn Khê, Hà Đông), CTCP Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) với dự án Khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức), Khu đô thị Tiến Xuân (huyện Thạch Thất)…
Tuy nhiên, cho đến nay, cùng với sự ảm đạm của thị trường bất động sản (BĐS), các dự án trên vẫn tiếp tục cỏ mọc lút đầu, còn các chủ đầu tư gần như không có động tĩnh nào để cải thiện.
Đất tại một số nơi ở TPHCM còn bỏ hoang. Ảnh: KIM NGÂN
Tình trạng hoang hóa ở các dự án này chưa được giải quyết hết thì đến nay, số lượng đất hoang lại có dấu hiệu tăng lên khi không ít chủ đầu tư đồng loạt tháo chạy khỏi dự án. Cách đây chưa lâu, Tập đoàn Nam Cường xin trả lại UBND TP Hà Nội dự án Khu đô thị mới Thạch Thất, do dự án không còn phù hợp với quy hoạch.
Dự án này có tổng diện tích 922,7ha, đáp ứng cho quy mô dân số khoảng 150.000 dân. Kế đó, CTCP Xây dựng số 2 (Vinaconex 2), chủ đầu tư cấp I dự án Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), cũng đã phải “kêu cứu” UBND TP Hà Nội về việc các chủ đầu tư không đến nhận đất tại dự án này dù Vinaconex 2 đã hoàn thành hạ tầng. Trước đó, Tổng công ty Sông Đà đã rút khỏi một dự án tại huyện Đông Anh (sẽ được TP giao nếu Sông Đà thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 cũ).
Lại loay hoay?
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ năm 2009, qua thanh tra, kiểm tra của 882 tổ chức sử dụng đất, đã phát hiện 779 trường hợp vi phạm với mức độ khác nhau. TP đã giúp doanh nhiệp tháo gỡ các thủ tục, đưa 511 dự án vào sử dụng, xử phạt hành chính hơn 100 doanh nghiệp, thu hồi đất tại 45 dự án với 828ha, đồng thời xem xét xử lý thu hồi đối với 23 chủ đầu tư đang bỏ hoang hóa 33 khu đất với diện tích gần 50ha.
Hà Nội cũng đã xác định 6 nhóm giải pháp để tháo gỡ dự án như tiếp tục kiểm tra các đơn vị được gia hạn, doanh nghiệp thực hiện tốt thì được tiếp tục, nếu không sẽ phải thu hồi. Bên cạnh đó, kiến nghị tăng mức phạt khi để đất hoang hóa vì có doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt vì mức phạt thấp...
Tuy nhiên, mới đây tại kỳ họp HĐND TP, hàng loạt đại biểu đã bức xúc trước tình trạng này và sự “nương tay” của TP đối với các chủ đầu tư. Thậm chí, nhiều đại biểu đã có sự so sánh giữa biện pháp cưỡng chế dành cho dân và sự nhân nhượng dành cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, việc “giơ cao đánh khẽ” đối với các chủ đầu tư có dự án để hoang của các cơ quan quản lý đã được phản ánh từ cách đây rất nhiều năm. Nhưng vì nhiều lý do, TP đã nhiều lần quyết tâm nhưng chưa thể thực hiện quyết liệt.
Theo ông Vũ Văn Hậu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, việc giải quyết các dự án hoang hóa chỉ có thể khắc phục dần dần, rất khó làm được ngay.
“Quan điểm của chúng tôi là đầu tiên phải tháo gỡ cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp. Nhiều khi nhìn vấn đề phải toàn diện, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, chúng ta phải thấy được khó khăn của doanh nghiệp. Họ đã đầu tư vào đây thời gian dài mà chúng ta thu hồi ngay thì có đền bù cho họ không, đền bù thế nào?” - ông Hậu nói.
Theo nhiều chuyên gia, chính cơ chế không minh bạch ngay khi cấp dự án, thu hút đầu tư, hay việc chần chừ “thương cho trót” này sẽ làm khó TP trong việc thu hồi các dự án sai phạm, chậm triển khai. Và với đà này, khi tình hình thị trường BĐS chưa mấy sáng sủa, việc thu hồi, giảm bớt số lượng đất để hoang trên địa bàn TP chắc chắn chỉ dừng lại ở 2 chữ “quyết tâm”.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: