(NoithatXHome.vn) Người Việt Nam không ai là không biết đến truyền thuyết Thánh Gióng, được xem là biểu tượng cho sức mạnh và tinh thần đoàn kết của dân tộc.
Để tưởng nhớ và phát huy tinh thần trên, hàng năm, nhiều nơi trên cả nước tổ chức lễ hội làng Phù Đổng rất long trọng.
Để hiểu rõ hơn giá trị và tinh thần cao đẹp đó, hãy cùng với chuyên trang Portfolio khám phá nét văn hóa đặc sắc của lễ hội làng Phù Đổng ngay bây giờ nhé!
1. Truyền thuyết Thánh Gióng và lễ hội làng Phù Đổng
Hội làng Phù Đổng được tổ chức để tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, mô phỏng diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân trong cuộc chiến chống giặc Ân, thông qua đó nâng cao tinh thần đoàn kết, giáo dục lòng yêu nước của dân tộc.
Chính vì vậy, trước khi khám phá hội làng Phù Đổng, đặc biệt là Hội Gióng chúng ta nên tìm hiểu đôi nét về nhân vật Thánh Gióng, người được xem là Tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Vào đời Hùng Vương thứ VI, tại Kẻ Đổng (còn gọi là làng Gióng Mốt, tên cũ của làng Đổng Xuyên sau này) thuộc bộ Vũ Ninh xưa, có một người phụ nữ làm nghề bán rau, sau khi ướm thử một vết chân lớn trong vườn thì bà mang thai.
Vào ngày mùng 7 tháng giêng, bà hạ sinh được một cậu bé khôi ngô tuấn tú. Nhưng đã ba tuổi mà chẳng biết nói cười, hàng ngày chỉ nằm trên thúng treo trên gióng tre, do vậy mọi người gọi cậu là Gióng. Bà vô cùng buồn phiền, lo lắng.
Cho đến một ngày, ngoài ngõ vang lên tiếng sứ giả rao mõ báo tin nước có ngoại xâm và nhà vua đang cầu hiền tài ra giúp nước.
Cậu bé Gióng bỗng dưng bật ra tiếng nói, thưa với mẹ cho gọi sứ giả vào và nói với sử giả: Ngươi hãy về tâu với đức vua đúc cho một con ngựa sắt cao hơn 18 thước, một cây kiếm sắt dài 7 thước, một roi sắt và một chiếc nón sắt để Gióng đi dẹp giặc.
Từ sau ngày gặp sứ giả, mẹ Gióng và dân làng lo cơm và quần áo mặc cho Gióng. Có khi Thánh Gióng ăn đến mười nong cơm, ba nong cà, mỗi lần ăn xong một nong lại vươn vai và vụt lớn lên như thổi.
Sau một bữa ăn, Gióng vươn vai đứng dậy, thân cao mười thước, hắt hơi mười tiếng rồi nhảy lên ngựa sắt rồi xung trận.
Trong trận tiền, giặc Ân bị quân đội triều đình và Gióng đánh tơi bời. Đang hăng chiến đấu, roi sắt của Gióng bị gãy, chàng liền quờ tay nhổ những khóm tre làng đầy gai mọc gần đấy quật vào quân giặc.
Sau khi đánh thắng quân ngoại xâm, Gióng thúc ngựa lên đỉnh núi Sóc, để lại nón sắt, roi sắt, nhìn non sông đồng ruộng quanh vùng và hướng về Kẻ Đổng lần cuối, rồi một mình một ngựa bay thẳng lên trời.
Sau khi thắng trận, để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Gióng ở làng quê, phong Gióng làm Phù Đổng Thiên Vương, phong mẹ Gióng là Thánh Mẫu Bảo Vương, cho làng có xóm Ban nơi Gióng sinh ra được đặt tên là làng Phù Đổng.
Từ đó, dân làng lập đền thờ, hàng năm tổ chức hội làng Phù Đổng tưởng nhớ công ơn của vị anh hùng trẻ tuổi.
2. Khám phá lễ hội làng Phù Đổng
Hội làng Phù Đổng được người dân rất coi trọng, là một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm.
Công việc chuẩn bị cho lễ hội Gióng được người dân tiến hành ngay từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 4 Âm lịch. Với các việc tập dợt chuẩn bị cho ngày chính của hội như tập luyện đánh trống, phất cờ,…
Việc tập luyện và chuẩn bị cho hội làng Phù Đổng rất quy củ, thường bắt đầu từ trước khi diễn ra lễ hội khoảng 1 tháng. Ðối với các ông Hiệu Trống, hiệu Chiêng, việc luyện tập phải luôn trong tư thế uy nghiêm, hùng dũng.
Khi đánh trống hoặc chiêng động tác phải mạnh, dứt khoát, lúc tiếng một, lúc đổ hồi, giữa tiếng trống với tiếng chiêng phải có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý.
Hội Gióng làng Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm – nơi sinh Thánh Gióng diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 4 Âm lịch.
Vào chính hội làng Phù Đổng, trước tiên dân làng tổ chức các nghi thức tế Thánh, sau đó là lễ rước nước lau rửa tự khí từ giếng đền Mẫu (đền Hạ) với ý nguyện được mưa thuận, gió hòa, lễ rước cờ “lệnh” từ đền Mẫu lên đền Thượng, tiếp đến là lễ khám đường, lễ duyệt tướng.
Ngày chính hội mùng 9 tháng 4, hội làng Phù Đổng diễn ra trang trọng, linh thiêng và náo nhiệt nhất là hai trận đánh mô phỏng bức tranh chân thực đánh trận năm ấy.
Trận thứ nhất: đánh cờ ở Đống Đàm (khu đất ven hồ sen đầu làng Đổng Viên, cách đền Thượng chừng 2 km) và trận thứ hai: đánh cờ ở Soi Bia.
Chiến trường là 03 chiếc chiếu cói truyền thống, mỗi chiếu có 01 chiếc bát to tượng trưng cho núi đồi, úp trên 01 tờ giấy trắng tượng trưng cho mây trời. Vây quanh là đại quân của Gióng và phía bên kia là đại quân của 28 nữ tướng giặc (biểu tượng cho yếu tố âm).
Sau nghi lễ tế Thánh, ông Hiệu cờ lần lượt tiến vào từng chiếc chiếu, nhảy qua các quả đồi (bát úp) và thực hiện các động tác “đánh cờ”.
Điệu múa cờ của ông Hiệu phải thật chính xác, khéo léo để tránh điều tối kỵ là lá cờ bị cuốn vào cán, bởi theo niềm tin của cư dân nơi đây thì đó là điềm rủi.
Cuối Hội Gióng làng Phù Đổng là lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất và lễ khao quân trong rộn rã tiếng cười, lời ca, điệu múa của phường Ải Lao, hát chèo và các trò chơi dân gian.
Quân giặc được tha bổng và cho tham dự lễ mừng chiến thắng, thể hiện truyền thống hiếu nghĩa đối với tổ tiên, những vị anh hùng dân tộc và tinh thần khoan dung, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
Ngoài làng Phù Đổng, Hội Gióng còn được tổ chức ở đền Sóc, nơi Thánh Gióng cưỡi ngựa bay lên trời, diễn ra trong 03 ngày từ mùng 6 đến mùng 8 tháng giêng hằng năm.
Hội làng Phù Đổng không chỉ là một lễ hội truyền thống mà còn được tổ chức theo hình thức hội trận độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 11 năm 2010.
Nếu bạn là người yêu khám phá lịch sử dân tộc thì chắc chắn không thể bỏ lỡ cơ hội khám phá Hội Gióng.
Và cũng đừng quên theo dõi chuyên trang gotrangtri.vn để tìm hiểu các giá trị văn hóa – mỹ nghệ truyền thống hay cập nhật những mẫu thiết kế nội thất nhà đẹp mới nhất nhé!
Thu Hà – Tổng hợp internet
558 1
Thỏa mãn nhu cầu trang trí nhà tại NoiThatXhome.vn