Trong một văn bản gửi các Bộ, ngành mới đây, Bộ Xây dựng cho biết trong quá trình hoàn chỉnh Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ này đã bỏ quy định về ngân hàng tiết kiệm nhà ở.
Hình minh họa
Cũng giống như khi ý tưởng này hình thành, việc bỏ quy định thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở một lần nữa lại dấy lên những ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này.
Thêm một hy vọng tạo lập nhà ở
Ý tưởng thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở được Bộ Xây dựng đề cập từ năm 2013 nhằm đưa ra một kênh chuyên biệt đảm bảo khả năng mua nhà của người dân “trơn tru” ngay cả khi kinh tế khó khăn khiến các ngân hàng thương mại siết chặt cho vay và ngân sách nhà nước hạn hẹp.
Khi giới thiệu về ý tưởng này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, bên cạnh kênh tín dụng thương mại, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần có quy định để hình thành thêm các định chế tài chính mới như: quỹ phát triển nhà ở, quỹ tín thác bất động sản và đặc biệt là mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở.
Trong một hội thảo giới thiệu mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở tổ chức cuối năm vừa rồi, mô hình này được biết đến là tổ chức tài chính nhận tiền gửi và cho vay trong lĩnh vực nhà ở đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Tại Đức, người tham gia tiết kiệm nhà ở ký kết một hợp đồng tiết kiệm nhà ở dựa trên tổng số tiền mà họ cần để đầu tư cho nhà ở. Sau đó, họ bắt đầu thực hiện nghĩa vụ cất giữ một khoản trong thu nhập thường xuyên thông qua tài khoản tiết kiệm. Sau khi thực hiện nghĩa vụ tiết kiệm theo hợp đồng, người tham gia tiết kiệm nhà ở sẽ được tất toán toàn bộ số tiền tiết kiệm và được ngân hàng tiết kiệm nhà ở cấp một khoản tín dụng sau khi thẩm định độ tín nhiệm và khả năng thanh toán. Lãi suất của khoản vay tín dụng sẽ được ấn định tại thời điểm ký kết hợp đồng tiết kiệm nhà ở và cố định trong toàn bộ thời gian vay.
Do vậy, khách hàng không lo biến động lãi suất trên thị trường vốn. Hơn thế, mức lãi suất này thông thường thấp hơn lãi suất trên thị trường đối với các khoản tín dụng tương đương. Cơ chế hoạt động này giúp cho người tham gia tiết kiệm nhà ở tránh được rủi ro lãi suất. 60 năm qua, các ngân hàng tiết kiệm nhà ở của Đức đã giải ngân được hơn 1.000 tỷ euro cho các dự án về nhà ở, giúp khoảng 13 triệu gia đình cải thiện chỗ ở. Mô hình này cũng khá thành công ở một số nước như Trung Quốc, Czech, Hungary, Rumania, Slovakia…
Còn nhớ, khi nói về mô hình này, lãnh đạo Bộ Xây dựng hy vọng ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ huy động tiền nhàn rỗi của người dân để cho vay phát triển nhà ở, vừa tạo được ý thức tiết kiệm trong các hộ gia đình, cá nhân vừa tăng quỹ nhà ở cho hộ gia đình.
Có thể duy trì mô hình thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội
Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất thành lập ngân hàng tiết kiệm nhà ở của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đạo lập đề án riêng và thực hiện thí điểm, chưa cần đưa vào luật.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia tài chính cho rằng, ý tưởng tiết kiệm nhà ở là một ý tưởng mang đến nhiều kỳ vọng cho người dân. “Nguyên lý” 50 – 50 không chỉ tạo tâm lý chủ động cho người dân, ý thức tằn tiện để tạo lập tài sản mà còn tăng cường mối quan tâm của Nhà nước trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính của người dân. “Thay vì người dân tự tiết kiệm tiền cho tới khi đủ để có thể mua nhà, Nhà nước sẽ giữ hộ và cho vay thêm khoản còn thiếu. Cung - cầu có thực vừa thuận lợi cho người dân, xác định rõ nhu cầu nguồn tiền, vừa dễ quản lý thị trường” – chuyên gia nói.
Trong khi đó, với hệ thống tổ chức tín dụng thuộc dạng “khổng lồ” đang cần phải tái cơ cấu, việc lập thêm ngân hàng cũng khiến nhiều chuyên gia băn khoăn. Tính đến hết ngày 30/6/2013, cả nước có 6 ngân hàng thương mại nhà nước, 1 ngân hàng chính sách, 35 ngân hàng thương mại cổ phần trong nước, 4 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 100 chi nhánh và văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, 18 công ty tài chính, 12 công ty cho thuê tài chính, 968 tổ chức tín dụng hợp tác. Hầu như đơn vị nào cũng có các chương trình tín dụng được thiết kế riêng phục vụ nhu cầu khách hàng về bất động sản.
Mà, mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở, với những mục tiêu và nội dung như đã được giới thiệu rộng rãi ra công chúng, lại được định hướng hoạt động chuyên sâu, thực hiện chính sách an sinh xã hội và nhắm tới việc mang lại lợi ích cho người dân là chính. Rõ ràng, để đạt được mục tiêu này, các cơ quan liên quan là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng phải tính toán một mô hình phù hợp. Chuyên gia cho rằng, ngân hàng tiết kiệm nhà ở phải là tổ chức phi lợi nhuận chứ nếu cũng chạy đua lợi nhuận, giống các ngân hàng thương mại khác thì hoạt động sẽ bị bóp méo.
“Theo tôi, không cần thiết phải thành lập thêm ngân hàng, mà thiết kế đề án tiết kiệm nhà ở và thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội – chuyên gia này nói – Đây là ngân hàng hoạt động nhằm mục tiêu an sinh, đang thực hiện nhiều chương trình tín dụng chính sách, trong đó có các chương trình hỗ trợ về nhà ở tạo được dấu ấn và mang lại hiệu quả rõ nét trong đời sống nhân dân, như chương trình xóa nhà tạm cho hộ nghèo, nhà ở cho đồng bào vùng lũ Đồng bằng sông Cửu Long hay mới đây là chương trình thí điểm xây chòi tránh lũ miền Trung. Đây cũng đều là những chương trình được thiết kế và thường trực bởi Bộ Xây dựng. Và chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng kinh nghiệm, bộ máy có sẵn để thực hiện tiết kiệm nhà ở”.