Có dự án đã khởi công, xin chuyển một phần sang làm nhà thương mại nhưng rồi vẫn bỏ đấy, tỉnh phải thu hồi lại. Các DN khác thì đăng ký dự án nhưng lảng mất. Thực tế tại TP Huế cho thấy cần có sự linh động trong thực hiện cơ chế chính sách ở từng địa phương.
Nhà TNT ở TP Huế đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhưng chưa có người đến ở
Ế vì không đúng đối tượng
Cách trung tâm TP Huế chưa đầy 8km, tại khu chung cư Bãi Dâu, khối nhà 4 tầng khang trang với 61 căn hộ dành cho người TNT đã được hoàn thiện từ lâu nhưng chưa có người đến ở. Để tránh trở thành nhà bỏ hoang, chủ đầu tư là Cty CP kinh doanh nhà TT-Huế đã phải rào kỹ và bố trí bảo vệ trông coi. Khi tìm hiểu dự án, ông Võ Quang Hưng - Phó giám đốc Cty cho biết, đây là một trong 2 dự án nhà TNT đầu tiên của TP Huế được triển khai từ năm 2009. Dự án có tổng mức đầu tư trên 17 tỷ đồng, thời điểm triển khai Cty dùng vốn tự có và vốn vay ngân hàng thương mại 7 tỷ đồng, sau đó vay được Ngân hàng Phát triển 6,5 tỷ đồng và Quỹ phát triển nhà tỉnh TT-Huế 3,5 tỷ đồng. Trong suốt thời gian triển khai dự án, những quy định về việc bán nhà TNT, đối tượng được mua… đều được thông tin rộng rãi trên địa bàn TP, nhưng cho đến nay, khi nhà đã hoàn thiện, Cty mới chỉ nhận được 2 - 3 hồ sơ đăng ký mua nhà và chưa hợp đồng bán nhà nào được ký. Cũng do không bán được nhà nên Cty không có nguồn thu để hoàn trả vốn cho Quỹ phát triển cũng như các ngân hàng, trong khi nợ đã quá hạn phải trả…
Thuận tiện hơn, nằm ngay trung tâm TP Huế, dự án nhà TNT thứ 2 tại KĐTM An Vân Dương của Cty CP Tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland. Dự án có quy mô 584 căn hộ với mức đầu tư 197 tỷ đồng đã được khởi công từ tháng 7/2009, dự kiến sẽ được hoàn thành vào quý III/2013. Cho đến thời điểm này, 2/6 block nhà chung cư đầu tiên với 204 căn hộ cũng sắp được hoàn thành. Cũng như ông Hưng, ông Hồ Văn Thu - Giám đốc Vicoland Huế than thở: “Đến thời điểm này mới có 258 hồ sơ mua nhà được duyệt. Đó cũng là do mới đây Vicoland hợp tác với BIDV hỗ trợ cho người mua nhà vay 50% căn hộ với lãi suất 12%/năm, trả chậm từ 10-15 năm. Nếu không tìm được sự hỗ trợ này chắc người dân cũng không thể mua được nhà, đó là chưa tính còn 4 block với gần 400 căn hộ tiếp theo của dự án”.
Cả ông Hưng và ông Thu đều lý giải về việc nhà làm ra bị “ế”: Theo quy định, đối tượng được mua nhà TNT phải có hộ khẩu tại TP Huế và chưa có nhà, nhưng đối tượng này ở TP Huế rất ít. Đất đai của Huế còn nhiều, giá rẻ, đa số các hộ gia đình đã ở lâu, có hộ khẩu tại TP đều đã có thể tự mua được những mảnh đất xây nhà. Trong khi đó nhiều người dân ở các huyện trong tỉnh cũng như ở khắp các tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam… về làm việc tại Huế, chưa có hộ khẩu tại TP đang cần nhà ở, họ mới chính là đối tượng cần mua nhà TNT. Nhưng chiểu theo quy định thì họ không đủ điều kiện được mua. Vậy là nhà làm ra bị “ế”, nhiều người lại không được mua.
Theo phản ánh của Viconland, cho đến thời điểm này DN vẫn chưa hề nhận được sự hỗ trợ nào theo quy định, về vốn, thuế… Việc triển khai các dự án nhà TNT khó khăn đã ảnh hưởng tới giá thành nhà, người dân trên địa bàn càng khó có khả năng mua được nhà… Ông Hưng và ông Thu đều kiến nghị: Dựa theo quy định khung của Nhà nước, nên giao cho các địa phương chủ động xây dựng các quy định về đối tượng được hưởng, cách làm phù hợp với đặc thù của địa phương. Ví dụ như TP Huế nên mở rộng đối tượng được mua nhà TNT chỉ cần công tác, làm việc trên địa bàn. Các dự án nhà TNT có thể kết hợp với chương trình nhà tái định cư (TĐC), miễn làm sao khuyến khích được các DN đáp ứng được quỹ nhà giá rẻ, giải quyết nhu cầu nhà ở của địa phương. Ngoài ra các địa phương cần chủ động tìm cơ chế hỗ trợ người mua nhà được vay vốn…
Được biết, dự án của Viconland vừa được Bộ Xây dựng xét duyệt đưa vào danh sách đề xuất với BIDV cho vay vốn. “Nếu được hỗ trợ về vốn vay, về thuế và tìm được cơ chế cho đầu ra của sản phẩm, DN sẵn sàng đẩy nhanh triển khai tiếp dự án, làm được quỹ nhà giá rẻ lớn cho địa phương”, ông Thu khẳng định.
Mở rộng đối tượng mua
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN do không bán được nhà, UBND tỉnh TT-Huế đã đồng ý chủ trương mua các căn hộ tại 2 dự án nhà TNT trên của Vicoland và Cty CP kinh doanh Nhà để bố trí làm nhà TĐC, thực hiện dự án di dân khu vực kinh thành Huế. Ông Lê Quang Dũng - Phó giám đốc Sở Xây dựng TT-Huế cho biết, nếu chỉ nhắm vào đối tượng theo đúng quy định thì các dự án nhà TNT tại TP Huế không có người mua. Cấp bách, thiếu nhất của TP hiện nay lại là vấn đề nhà tái định cư. Ngoài hơn 1.000 căn nhà TĐC cho dân vạn đò đã được hoàn thành đưa dân về ở, từ nay đến 2015, TP dự kiến cần 6.000 căn nhà phục vụ TĐC phục vụ di dân khu vực di tích… Tạo điều kiện cho DN, UBND tỉnh đã đồng ý cho phép một số dự án TNT được chuyển một phần đất sang nhà ở thương mại để mở rộng đối tượng mua. Sở Xây dựng cũng đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ bằng cách hỗ trợ DN vay vốn ưu đãi từ quỹ hỗ trợ nhà của tỉnh, mở rộng đối tượng mua nhà (đến những người có hộ khẩu thường trú tại các huyện, xã trong tỉnh, hoặc không có hộ khẩu TP nhưng đang công tác tại tỉnh và có tham gia đóng bảo hiểm xã hội trên 1 năm), đồng thời mua lại nhà TNT để bố trí cho đối tượng tái định cư nhằm “giải cứu” DN. Chủ trương của tỉnh TT-Huế là phát triển chung cư, hạn chế chia lô phân nền, nhất là trong giải quyết tái định cư. Theo đó, UBND tỉnh cũng có công văn cho phép Cty CP kinh doanh Nhà đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội khu Bầu Vá với quy mô gần 700 căn hộ, dự án được thực hiện theo phương thức chính quyền đặt hàng DN để có quỹ nhà bố trí TĐC.
Ông Phan Trọng Vinh - Chủ tịch UBND TP Huế cũng cho biết TP được giao 700 tỷ đồng cho công tác TĐC dự án di dân khu vực di tích kinh thành Huế. Ngay trong năm 2012, TP có thể đặt hàng, mua lại các DN để làm quỹ nhà tái định cư với mức giá hợp lý. DN thì giải quyết được đầu ra, tháo gỡ khó khăn, chính quyền thì tạo được quỹ nhà TĐC đáp ứng cho các dự án.
Trong giai đoạn thị trường BĐS trầm lắng như hiện nay, thì đây cũng là cách làm tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo động lực để các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TT-Huế được tiếp tục triển khai.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: