(NoithatXHome.vn) – Chiếc nón lá từ bao đời nay đã trở nên gần gũi, thân thuộc đối với người phụ nữ Việt Nam nói chung và người phụ nữ Nam Bộ nói riêng.
Qua bao thăng trầm của cuộc sống, chiếc nón lá không chỉ đơn thuần là vật dụng để che mưa che nắng mà còn trở thành một trong những biểu tượng, một nét riêng, một nét “duyên” của cả dân tộc.
Và trên khắp mảnh đất hình chữ S này, đâu đó vẫn còn những làng nghề, những con người vẫn đang âm thầm giữ hồn nón Việt.
Hãy cùng Portfolio đến với vùng đất Tây Ninh để khám phá nghề chằm nón của người dân nơi đây nhé!
Nghề chằm nón lá ở Tây Ninh – bàn tay những nghệ nhân
Nghề chằm nón hay còn được gọi là nghề làm nón, được người dân Tây Ninh giữ gìn và phát triển từ nhiều đời nay.
Họ sản xuất cả ba hạng nón là nón thường, nón dày, nón lỡ để đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường và thị hiếu của khách hàng.
Trong đó, nón dầy được người dân Tây Ninh chằm nhiều nhất bởi đây là loại nón thông dụng nhất, được sản xuất đại trà, đối tượng khách hàng là người dân lao động.
Hơn nữa, loại nón này có độ bền cao, khi gặp mưa vẫn thẳng, không bị dúm lại như các loại nón khác, nguyên liệu lại nhiều và dễ kiếm.
Nón lá là một vật dụng che nắng che mưa có hình chóp, nhìn thì rất đơn giản, nhẹ nhàng nhưng để làm được một chiếc nón lá thì lại là cả một quá trình công phu, tỷ mỉ. Quá trình làm nón chia thành 3 công đoạn: làm khung tre, lựa lá và chằm nón.
Muốn làm nón đòi hỏi người thợ phải có cái khung chằm hình chóp có kích thước bằng chiếc nón lá mà người dân vùng này thường gọi là cái Mô được bày bán ở chợ.
Khung nón làm bằng tre, loại tre cật Tây Ninh, khung có hình chóp, kích cỡ bằng chiếc nón.
Khung và bộ vành với 16 chiếc vòng lớn nhỏ (Sau thập niên 80, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi, người Nam bộ nói chung bắt đầu chuộng nón lá kiểu xứ Huế có 16 vành hay còn gọi là nón Bài thơ) được chuốt nhỏ nhắn, tròn và khéo, cân xứng, nghệ thuật và nhẹ nhàng.
- Khám phá nét độc đáo nghề dệt thổ cẩm của người Cơ tu – Tây Nguyên
- Khám phá nét độc đáo nghề dệt thổ cẩm của người Cơ tu – Tây Nguyên
- Thăm làng nghề Tây Hồ – quê hương của những chiếc nón bài thơ Huế
Về nguyên liệu, người Tây Ninh làm nón lá bằng lá mật cật. Công đoạn chọn lá cũng rất kĩ càng.
Để làm được một chiếc nón đẹp thì phải chọn được loại lá già, đem đi luộc chín, sau đó đem phơi hoặc sấy cho khô. Lá phải cán hay vuốt thẳng sao cho sau khi lợp, sau khi chằm không bị co bị dúm lại.
Tuy nhiên, các công đoạn này phải đảm bảo sao cho lá vẫn giữ nguyên được màu trắng – xanh tự nhiên, không bị ngả màu đen hay vàng.
Sau đó, họ lại xếp từng lá chồng dọc theo khuôn để chằm, vừa chằm vừa gác các nan tre được chuốt nhỏ, đều và trùm lên khuôn để làm sườn nón.
Công đoạn cuối cùng là chằm nón bằng những sợi chỉ trong suốt dọc theo nan tre.
Chỉ may được lựa chọn tỉ mỉ trên cơ sở bền, mảnh và trong. Nón lá sau khi được hoàn thành sẽ được quét một lớp dầu bóng pha với xăng nhằm chống thấm nước, tăng độ bóng, độ bền cho sản phẩm.
Tùy theo khoảng cách của từng mũi kim mà người ta phân biệt ra nón thưa và nón dày.
Theo những nghệ nhân làm nghề chằm nón lá ở Tây Ninh, nghề chằm nón này đòi hỏi người thợ phải thật tỉ mỉ, khéo léo và cẩn thận trong mỗi mũi kim.
Vì nếu ngay ở công đoạn đầu làm không tốt sẽ dễ làm cho lá bị rách ngay, còn cách cầm kim cũng phải thật mềm mại, mỗi mũi kim phải thẳng đều từ trong ra ngoài.
Vì thế, nghề chằm nón được coi là nghề dành riêng cho phụ nữ.
Nghề chằm nón lá ở Tây Ninh là nghề truyền thống
Nghề chằm nón ở Tây Ninh cũng được coi là một nghề phổ biến. Hầu như tất cả những người phụ nữ ở đây đều lớn lên với nghề truyền thống này, biết chằm nón từ thuở nhỏ.
Đến đây, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cô bé lên 9 lên 10, người ngồi ghế gỗ, người ngồi đất, tay đã thoăn thoắt chằm nón.Trung bình mỗi ngày, mỗi người sẽ chằm được từ 3-5 chiếc nón tùy vào hạng nón.
Và có một sự thực là, những chiếc nón chằm của người Tây Ninh nhìn rất Huế, đến nỗi người ta có thể nhìn ra hơi thở của Huế, nét riêng của Huế trong mỗi chiếc nón họ làm ra dẫu nghệ nhân làm nón chưa một lần đến Huế.
Ngày nay, nghề chằm nón của người Tây Ninh không còn “vượng” như trước do xu hướng thị trường và thị hiếu của người dân thay đổi theo cơ chế hội nhập.
Thu nhập của người thợ làm nón cũng giảm, trung bình từ 40 – 80 nghìn/ chiếc nón nhưng người dân nơi đây vẫn kiên định làm nghề, bởi hễ còn người dân ra đồng là còn cần chiếc nón lá.
Người ta chọn mua một chiếc nón đẹp trên cở sở chiếc nón ấy có bền hay không, đan dày hay thưa, vành vót vừa hay nhỏ.
Trên đây là một vài thông tin hữu ích về nghề chằm nón lá ở Tây Ninh.
Ngoài ra, ở Tây Ninh còn rất nhiều nghề thủ công truyền thống khác chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu tới Quý độc giả trong những bài viết sau. Đừng quên ghé xem chuyên trang gotrangtri.vn hàng ngày để đón đọc những bài viết hay về thiết kế nội thất nhà đẹp nhé!
722 1
Thỏa mãn nhu cầu trang trí nhà tại NoiThatXhome.vn