Nhận định trên được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Kinh tế đêm - Chiến lược trọng tâm phát triển Du lịch và bất động sản du lịch” vừa diễn ra.
Việt Nam bỏ qua nhiều cơ hội
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, kinh tế đêm được phát động chưa đến một năm nhưng có thể xem đây là một hành động đúng lúc. Hiện nay, một số đô thị đã được Chính phủ chọn để thí điểm phát triển kinh tế ban đêm.
Ông Thiên cho rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới tối tăm, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển kinh tế nói chung và nhất là kinh tế ban đêm.
“Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, Việt Nam đã nhiều lần có cơ hội nhưng khả năng tận dụng cơ hội kém. Lúc bình thường chúng ta đã không tận dụng tốt cơ hội thì lúc khó hăn như thế này làm sao để không mất cơ hội?” ông Thiên đặt vấn đề.
Vị chuyên gia này cho rằng phải có giải pháp để biến cơ hội thành hiện thực, kinh tế ban đêm chính là một trong những giải pháp.
“Muốn có kinh tế đêm trong đô thị thì phải thiết kế mô hình đô thị khác. Thành phố ban đêm phải thiết kế như thế nào chứ không phải tự nhiên thành kinh tế đêm. Trong đó, việc vận hành như thế nào, nguồn lực ở đâu, cơ chế chính sách như thế nào, nhu cầu ban đêm là những nhu cầu gì cần phải tính toán thì mới có giải pháp phù hợp”, ông Thiên phát biểu.
Kinh tế đêm được kỳ vọng sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn để kích thích du khách chi tiêu nhiều hơn
Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng việc cần bàn là ai làm, cơ chế chính sách nào, nguồn lực ở đâu, đối phó với cái xấu ban đêm như thế nào? Doanh nghiệp phải đề xuất cho Chính phủ. Định hình ảnh hưởng tác động xử lý với người dân, văn hoá, trộm cắp cướp giật, đi lại giao thông và gợi ý những sản phẩm giúp cho kinh tế đêm sống được.
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, cho rằng kinh tế đêm mang lại nhiều lợi ích so với nền kinh tế 10 giờ đã đóng cửa, tắt đèn. Với khách du lịch, khi họ đi du lịch đừng để họ phải ngủ nhiều. Họ muốn tận dụng tốt nhất thời gian đi để tận hưởng, tham gia những hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí ở thành phố sở tại. Đó là những nhu cầu thiết yếu của khách du lịch. Do đó, nếu không phát triển kinh tế đêm thì sẽ hạn chế du khách đến Việt Nam.
Rào cản khi phát triển kinh tế ban đêm
Cũng theo ông Võ, dù có nhiều lợi ích nhưng việc phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam đang phải chịu ba áp lực.
Thứ nhất là đạo đức. Bởi nghĩ đến kinh tế ban đêm người ta thường nghĩ đến các hoạt động mà có thể không phù hợp với đạo đức, văn hóa người Việt. Do đó, cần phải tính đến việc phát triển những mục tiêu thế nào để được chấp nhận.
Thứ hai là vấn đề an ninh. Phát triển kinh tế đêm cũng sợ an ninh ảnh hưởng, không quản lý được. Thứ ba là vấn đề đất đai, trong đó có câu chuyện quyền sở hữu.
“Ngoài những định nghĩa về đạo đức, chúng ta cũng cần định nghĩa lại cách thức quản lý được các rủi ro về vấn đề an ninh. Chúng ta hướng về kinh tế đêm nhưng làm sao để kinh tế đêm ở Việt Nam khác với kinh tế đêm ở Bangkok, ở Hong Kong đó là vấn đề cần phải bàn đến. Nếu đến Việt Nam cũng giống như các nền kinh tế đêm khác như Thái Lan, Hong Kong, Singapore thì người ta đến Việt Nam để làm gì”, ông Võ nói.
Bên cạnh đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đề cập đến khung pháp luật riêng mới đáp ứng được yêu cầu phát triển của các loại hình phát triển du lịch.
Phát triển kinh tế ban đêm phải có hệ thống để quản lý xử lý những vấn đề của hoạt động của đô thị về đêm.
Ông Võ dẫn chứng vào năm 2014, các doanh nghiệp đưa ra một phân khúc bất động sản du lịch và phát triển như vũ bão đó là condotel. Nhưng đến cuối năm 2018, loại hình này bắt đầu đứng lại bởi khung pháp lý không có. Tiếp đó là những cuộc tranh luận phải điều chỉnh như thế nào nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết.
“Ta nhìn thấy cơ hội nhưng không nắm bắt được cơ hội bởi thiếu đủ thứ kể cả pháp luật. Pháp luật không đuổi kịp sự phát triển của chuyển động thị trường”, ông Võ chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cũng cho rằng phát triển kinh tế ban đêm phải có hệ thống hạ tầng, hệ thống chính quyền quản lý xử lý những vấn đề của hoạt động của đô thị về đêm.
Theo thống kê từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Việt Nam hiện đang có 216 dự án bất động sản để phát triển hệ thống hạ tầng du lịch trên 10 tỉnh, cung cấp lượng sản phẩm chưa lớn, chỉ 83 ngàn căn condotel và 30 ngàn biệt thự nghỉ dưỡng villas, shophouse, 12 ngàn phòng khách sạn condotel.
“Nhu cầu của khách du lịch đòi hỏi chất lượng dịch vụ khắt khe. Các loại hình tổ hợp có nhiều dịch vụ, khu nghỉ dưỡng đa chức năng là xu hướng thế giới đang làm và Việt Nam rất ít. Do vậy, chi tiêu của du khách cũng rất ít, chỉ 90USD/khách quốc tế tại Việt Nam trong khi ở Singapore 300 USD”, ông Đính cho biết và kỳ vọng kinh tế ban đêm sẽ đáp ứng nhu cầu cao nhất của khách du lịch và tăng nhu cầu chi tiêu kéo dài thời gian lưu trú và ấn tượng quay trở lại.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: