"Ôm" vùng ven mua quỹ đất lớn
Trong những năm gần đây, trào lưu "bỏ phố về quê", "về rừng" không còn xa lạ đối với đại đa số người dân Hà Nội. Đã có thời gian, xu hướng này rơi vào tình trạng trầm lắng, xuất hiện nhiều nhà đầu tư rao bán những quỹ đất lớn kèm với lời quảng cáo "cắt lỗ".
Trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh phức tạp kéo dài, tác động tới thói quen, đời sống, người dân ở các đô thị lớn, mong muốn có không gian sống trong lành, gần gũi với thiên nhiên. Theo đó, xu hướng "bỏ phố về quê" thời gian gần đây lại rộ lên. Người dân tại Hà Nội tiếp tục về các vùng vệ tinh nơi có lợi thế từ thiên nhiên săn quỹ đất lớn không chỉ để xây dựng ngôi nhà thứ 2 hoặc kinh doanh homestay, nhiều nhà đầu tư còn kỳ vọng sẽ chốt được khoản lời lớn nhờ giá đất tăng mạnh.
Nhà đầu tư "săn" mua những lô đất rộng tới hàng nghìn m2 tại các vùng ven trung tâm Thủ đô và tỉnh lân cận. (ảnh Nguyễn Minh)
Theo khảo sát của PV Dân Việt, tại Hòa Bình, Ba Vì, Sóc Sơn,...nơi có những lợi thế từ thiên nhiên như không khí mát mẻ, không gian sống trong lành, đặc biệt lại gần Hà Nội nên rất thuận tiện cho việc di chuyển. Các khu vực này đều có mức giá dao động từ 1 - 2 triệu đồng/m2. Cá biệt, một số mảnh đất có vị trí đắc địa, gần đường lớn hoặc hồ có mức giá lên tới 4 - 5 triệu đồng/m2. Đặc điểm chung của những mảnh đất lớn đều có diện tích đất thổ cư chỉ chiếm khoảng 10 - 25%, còn lại là đất sản xuất lâu năm.
Đơn cử, một mảnh đất rộng 4000m2 tại Lương Sơn ( Hòa Bình), trong đó chỉ có 400m2 là đất thổ cư, có mức giá 1,5 triệu đồng/m2, tổng giá trị mảnh đất là 6 tỷ đồng. Theo anh Xuân Soạn - môi giới tại Hòa Bình, sở dĩ mảnh đất này gần 2 dự án nghỉ dưỡng có quy mô lớn và cách Quốc lộ 6 khoảng 3km, nên có mức giá cao hơn các khu vực khác.
Người môi giới này còn khẳng định chắc nịch rằng: "Mảnh đất này rộng lại đang có mức giá rẻ, nếu anh mua thời điểm này chỉ cần hết dịch chắc chắn sẽ có lãi. Ở đây còn có nhiều lợi thế khác mà gần Hà Nội, nếu anh muốn kinh doanh homestay thể nào cũng thu đống tiền".
Cẩn trọng đi vào vết xe đổ
Theo giới đầu tư, xét về lâu về dài quỹ đất tại những nơi như Hòa Bình, Ba Vì, Sóc Sơn,... sẽ có nhiều lợi thế và tiềm năng tăng giá. Tuy nhiên, thực tế xu hướng đầu tư này không phải ai cũng có thể tham gia và đem lại lợi nhuận.
Trao đổi với Dân Việt, anh Phí Minh Hiếu - nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, hình thức đầu tư quỹ đất lớn hoặc kinh doanh homestay chỉ dành cho những người có kinh tế vững vàng, bởi muốn có lãi tại các khu vực này cần thời gian lâu dài.
"Thực tế, không ít nhà đầu tư cắt lỗ trong thời gian qua do một số người sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư. Tuy nhiên vì thời gian quá lâu mảnh đất vẫn chưa có lời. Nhất là trong thời kỳ dịch bệnh, tình hình kinh tế khó khăn, du lịch bị hạn chế, những nhà đầu tư vừa phải còng lưng gánh lãi vay, vừa phải lo chi phí vận hành, quản lý, chăm sóc,... do đó có hiện tượng bán tháo", anh Hiếu nói.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư này khẳng định: "Tuyệt đối không nghe lời giới thiệu của môi giới về các thông tin dự án lớn đổ bộ. Bởi lẽ thông tin như thế nhưng việc triển khai xây dựng sẽ còn cả một quá trình, nếu nhà đầu tư vội vàng nghe theo rất dễ phải gánh hậu quả".
Không phủ nhận tiềm năng của đất vùng vệ tinh, nhưng nhiều chuyên gia cũng cảnh báo có rủi ro. (ảnh Nguyễn Minh)
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, hiện nay giới nhà giàu tại Việt Nam ngày càng nhiều, do đó nhu cầu ngôi nhà thứ 2 trở thành xu hướng. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng chạy theo xu thế này với mong muốn có lợi nhuận.
"Đối với quỹ đất rộng giá rẻ nhưng chỉ 1 phần là đất thổ cư, còn lại đa phần đều là đất sản xuất lâu năm, chính vì vậy rất khó khăn cho việc chuyển đổi toàn bộ sang đất để ở. Thực tế, chỗ nào được quy hoạch là đất thổ cư thì Nhà nước sẽ chú trọng để phát triển hạ tầng xã hội, kỹ thuật. Bởi vậy, mặc dù nhiều đất nhưng không phải chỗ nào người dân cũng có thể đầu tư. Tôi cho rằng đây là điểm mà các nhà đầu tư cần chú trọng, tuyệt đối không nên mua đất rừng và đất sản xuất lâu năm", vị chuyên gia khuyên.
Ông Điệp cho rằng, nhìn từ cơn sốt Ba Vì 10 năm trước, khu vực này đã trở thành nỗi ác mộng của các nhà đầu tư thời kỳ đó. Hậu quả để lại cho tới tận ngày nay nhiều người dân thiệt hại lớn về kinh tế, đặc biệt đối với những người sử dụng đòn bẩy tài chính. Đây cũng là bài học "xương máu" cho các nhà đầu tư có xu hướng "đi trước đón đầu".
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc các nhà đầu tư rủ nhau đầu tư tại các đô thị vệ tinh mua đất rẻ làm farmstay hay xây ngôi nhà thứ 2 sẽ khả quan khi khu vực đó được quy hoạch bài bản, đồng bộ. Còn trường hợp quá trình đầu tư gặp vướng mắc pháp lý, hoặc chậm trễ triển khai vì một lý do nào đó thì cũng mang lại nhiều rủi ro lớn cho các nhà đầu tư có vốn mỏng.
"Bài học từ những đợt sốt trước vẫn còn đó. Đơn cử như các dự án ở Mê Linh, Ba Vì, lúc mới đầu tư ai cũng ham vì rẻ, kỳ vọng tiềm năng tăng giá do có dự án mới, nhưng sau đó hạ tầng giữ nguyên, kết quả là hàng chục dự án đắp chiếu hàng chục năm, thị trường vỡ trận, hàng loạt nhà đầu tư mắc kẹt, "ôm đất" và "cõng lãi" vay ngân hàng", vị chuyên gia nói.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME: