Để giảm áp lực cho hạ tầng nội đô, hơn 10 năm nay Chính phủ có chủ trương phải kéo giãn dân cư nội đô. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra ngược lại, khi nhiều công sở, nhà máy được di dời sau đó cao ốc lại mọc lên. Kế hoạch di dời các trường cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) cũng đang giậm chân tại chỗ.
Vừa được xây dựng, nhưng đường Tố Hữu ùn tắc thường xuyên do có quá nhiều nhà cao tầng hai bên. Ảnh: Anh Trọng.
Chung cư cao tầng có dân số gấp 5 lần phường
Tìm hiểu số lượng dân cư sinh sống xung quanh khu vực cầu Tó chúng tôi được biết, 2 năm trước đây dân số tại xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) - địa phương có nút giao thông cầu Tó, dân số chưa đến 5.000 nhân khẩu. Tuy nhiên, hiện nay dân số trên địa bàn xã là 12.000 nhân khẩu, tăng gần gấp 3 lần trong vòng 2 năm. Lý giải vì sao dân cư lại tăng nhanh như thế, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó trưởng công an xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) cho biết, do địa phương vừa có các tòa chung cư cao tầng tại khu Đại Thanh (nằm cạnh cầu Tó) đi vào hoạt động. “Với 6 tòa nhà cao 32 tầng dân cư trên địa bàn xã vừa được bổ sung thêm khoảng 8.000 nhân khẩu. Dân số bất ngờ tăng hơn gấp đôi khiến hạ tầng không thể đáp ứng kịp”, ông Dũng nói.
Ông Trần Huy Hoàng, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết, Khu đô thị Linh Đàm vốn có quy hoạch đồng bộ với những tòa nhà dưới 20 tầng và hạ tầng bên dưới được xây dựng phù hợp với tổng số dân ở đây 25.000 nhân khẩu. Do vậy, năm 2009, Khu đô thị Linh Đàm đã được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội. Tuy nhiên gần đây, với 12 dãy nhà xây cao 42 tầng có ký hiệu HH đi vào sử dụng khiến dân cư tăng đột biến lên 52.000 nhân khẩu (tăng gấp đôi). Nếu so sánh con số nhân khẩu tại các tòa nhà HH sẽ gấp 5 lần dân số phường Hàng Bạc, Tràng Tiền…
Tương tự, việc có nhiều toà nhà cao tầng, chung cư mọc lên ở các địa bàn khác đã làm cho giao thông trên nhiều tuyến đường ùn tắc trở lại. Đơn cử, tại nút giao thông Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Minh Khai – đê Nguyễn Khoái…, với việc các toà nhà cao tầng mọc lên, như Royal City, Hòa Phát, Time City… đã khiến các nút giao thông này ùn tắc trở lại.
15% đường ùn tắc vì nhà cao tầng
Theo khảo sát, hầu hết hạ tầng giao thông trong khu vực nội đô Hà Nội hiện nay được quy hoạch và xây dựng từ hàng chục năm trước. Dân số Hà Nội hiện đã tăng gấp đôi, gấp ba so với trước trong khi các đường phố tại khu vực trung tâm chỉ có thể xén hè chứ không xây mới, mở rộng. Viện Quy hoạch đô thị (Bộ Xây dựng) đưa ra con số, mật độ dân cư trung bình trên toàn thành phố Hà Nội hiện nay là 1.979 người/km2. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng dân số trên một số quận nội thành như Hoàn Kiếm, Đống Đa thì con số này lên đến hơn 35.000 người/km2, trong khi đó, ở những huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức mật độ là hơn 900 người/km2 (gấp trên 35 lần các quận ngoại thành).
Viện Chiến lược phát triển GTVT cho rằng, với hơn 5,5 triệu xe cá nhân Hà Nội đang có, nếu tất cả cùng ra đường thì tỷ lệ chiếm dụng mặt đường của các xe đã chiếm 78% các tuyến đường. Nếu di chuyển thì chỉ có thể dàn hàng đi với tốc độ dưới 20km vì lưu lượng xe đã vượt 3,9 lần thiết kế mặt đường. Số điểm ùn tắc sẽ vô cùng lớn.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội xác nhận, theo số liệu khảo sát, từ đầu năm 2016 toàn thành phố có 44 điểm ùn tắc, trong đó có nhiều điểm phát sinh mới. Lý giải về nguyên nhân, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, lưu lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh; công trình giao thông trọng điểm chiếm dụng lòng đường nhiều; các khu nhà ở cao tầng đưa vào sử dụng với số lượng lớn… là nguyên nhân chính. Có 7 điểm trong tổng số 44 điểm ùn tắc (chiếm 15%) trên là do các khu nhà ở cao tầng vừa đưa vào sử dụng.
10 năm chưa di dời được trường nào
Để giảm áp lực dân cư và phương tiện tham gia giao thông trên đường, trong Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 nêu rõ: Với khu vực nội đô, giới hạn từ đường vành đai 2 trở vào cần kiểm soát sự tăng dân số cơ học. Theo đó, với 1,2 triệu dân 4 quận nội thành, từ nay đến năm 2030 chính quyền thành phố Hà Nội phải giảm về mức khoảng 0,8 triệu người (giảm 1/3 so với hiện nay). Theo các chuyên gia, nếu quy hoạch này được thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc, thì áp lực ùn tắc giảm ngay tức thì và không một công trình, kế hoạch chống ùn tắc nào có thể so sánh được.
Tuy nhiên, ghi nhận tại một số địa điểm thành phố Hà Nội thực hiện di dời nhà máy, trụ sở ra khỏi khu vực nội thành, thay vì làm các công trình công cộng để giảm dân cư, hiện các khu vực này lại mọc lên các toà nhà cao tầng thu hút hàng vạn dân cư. Đơn cử như trụ sở Nhà máy Nhựa Hà Nội tại phố Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm), được di dời năm 2010 để bàn giao mặt bằng 1.400m2 cho thành phố, nhưng sau đó ít lâu, tại đây mọc lên dự án trung tâm thương mại, căn hộ và văn phòng cao tầng. Tương tự, hơn 2.000m2 trụ sở Nhà máy xe đạp Thống Nhất ở phố Tràng Thi biến thành trung tâm thương mại và siêu thị. Cũng với chủ trương trên, từ năm 2008 đến nay, Hà Nội lần lượt di dời các nhà máy, xí nghiệp lớn như: Cơ khí Hà Nội, Cao su Sao vàng, Thuốc lá Thăng Long (trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), May Lê Trực (phố Lê Trực, Ba Đình), Dệt 8/3 (phố Minh Khai, Hai Bà Trưng)… nhưng hiện nay mặt bằng tại tất cả các địa điểm này đã và đang bị biến thành trung tâm thương mại và chung cư cao tầng.
Với chủ trương di dời các trường CĐ, ĐH, từ năm 2008, Chính phủ đã có chỉ đạo thành phố Hà Nội và các bộ ngành liên quan, lên kế hoạch di dời gần 30 trường ĐH ra các khu vực vệ tinh như Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc… Tuy nhiên đến nay kế hoạch này coi như phá sản khi các trường này vẫn đang hoạt động giảng dạy bình thường. Lý giải cho việc này, cả đại diện thành phố Hà Nội và Bộ GD&ĐT đều thừa nhận, do các bên liên quan chưa có sự đồng thuận nên tiến độ di dời bị chậm lại.
Với hơn 1 triệu sinh viên, học sinh trong khu vực nội đô Hà Nội hiện nay, thực tế đang chứng minh, vào các dịp lễ tết, hè khi học sinh được nghỉ học, giao thông Hà Nội trở nên thông thoáng. Khi các trường bước vào năm học mới, đường phố lại ùn tắc trở lại. Nếu việc di dời trên được Hà Nội và các bộ ngành liên quan thực hiện nghiêm túc, ùn tắc tại thủ đô giảm đi rất nhiều. |